Nhớ Hà Nội

14/3/2020

Xuân Quỳnh có bốn câu thơ về Hà Nội mà tôi rất thích, cũng là bốn câu thơ mà tôi thực sự thấy hay trong di sản thơ của Xuân Quỳnh.

Em từ nhà ra tới ngã tư

Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất

Chờ sang đường, đèn xanh vừa bật

Em lại quay về thành phố mùa đông

Như mọi sự trên đời, tình yêu luôn có thời gian và không gian cụ thể. Nếu như ai cũng viết từ một địa điểm nào đó và từ một thời đại nào đó, thì ai cũng (hết) yêu từ một nơi nhất định và từ một thời khắc nhất định. Nói như Kathleen Stewart thì cái gọi là “context” không chỉ là “‘background’ for the ‘text’ but its very inspiration – its enabling condition.” Cái “nơi ấy” và “lúc ấy” của tình yêu – ngỡ như tuyệt đối riêng tư và hoàn toàn sét đánh – lại luôn chậm rãi quyện vào nhịp điệu của phố, của mùa, của vòng quay xe đạp, và của toàn bộ quang cảnh cảm xúc khi một thập niên nào đó đang trôi dần vào quá khứ và cũng đang ngập ngừng vươn về phía tương lai.

Mấy câu thơ viết vào thập niên đầu tiên sau thống nhất này của Xuân Quỳnh – người khi ấy đã yêu và được yêu trong cõi sống đầy nỗi buồn mang tên Tổ quốc – khiến tôi nhận ra rằng tốc độ phù hợp với tình yêu chính là tốc độ thập niên. Tức là, giả như ai đó muốn đem tình yêu ra mà đong đếm sự nông sâu hơn thiệt, thì nên làm thế 10 năm một lần. Nguyễn Du bảo, tốc độ của tình buồn như “ba thu dồn lại một ngày dài ghê,” nhưng tôi nghĩ với Xuân Quỳnh thì là mười mùa đông dồn vào một khoảnh khắp đợi đèn xanh và rồi không đi tiếp. Tốc độ của thập niên – cũng như tốc độ của xe đạp – đủ chậm để ngắm được tình yêu trong quang cảnh cuộc đời chung-riêng, mà lại không quá chậm để kết thúc một tình yêu đã từng xứng đáng được ngắm nhìn.

Tôi không nhớ cụ thể có lúc nào trong cuộc đời sinh ra và lớn lên ở Hà Nội của mình mà mùa đông ùa vào lòng cùng với một lần đèn xanh lỡ nhịp, cũng là khi mà động năng nhiệt thành của một tình yêu nào đó tự nhiên cạn kiệt. Hình như chưa bao giờ như vậy và hình như đã luôn như thế? Hay chính vì một tình yêu tự nhiên dừng bước mà bất chợt ai đó nhận ra toàn bộ mùa đông đã ập tới và tràn lấp cõi sống từ lúc nào không hay. “Em lại quay về <=> Thành-phố-mùa-đông.”

Tôi cũng không nhớ cụ thể có lúc nào lang thang vô định bằng xe đạp dọc theo phố vắng để nghĩ miên man về tình yêu. Hình như Hà Nội không bao giờ hết chật, mà lại vẫn luôn đủ vắng để yêu và suy tư về tình yêu? Dù có thế nào, ai đã yêu và hết yêu với vận tốc năm – chứ chưa cần tới vận tốc thập niên – sẽ hiểu thế nào là phút-đầu-tiên của mùa đông Hà Nội, khi mà toàn bộ lòng mình đã trở thành mùa. Chỉ Hà Nội mới có một mùa đông như thế, một mùa đông với nhịp điệu, tốc độ, và mật độ của tâm cảnh mà Xuân Quỳnh đã thốt được ra thành lời. Cho nên với tôi, bốn câu thơ này là về Hà Nội như một quang cảnh của tình yêu, chứ không phải về một tình yêu trong quang cảnh của Hà Nội.

This entry was posted in Viết lách lung tung. Bookmark the permalink.

0 Responses to Nhớ Hà Nội

  1. Cám ơn chị Giang. Em đọc được bài viết này đúng lúc quá ạ.

Leave a comment