Fucking humorous

 

Viết 2008 (Đăng lại nhân kỷ niệm 2 năm không dùng người giúp việc)

Chiều nay vác laptop lên khoa vì phải viết một cái đơn đề nghị cho phăng-teo một em sinh viên tại chức vì em này làm khoá luận không tử tế (trong đơn có đoạn: “Với tư cách giáo viên hướng dẫn, tôi nhận thấy khoá luận này không đạt được những chuẩn cần có, trong đó có những chuẩn tối thiểu buộc phải đảm bảo như chuẩn chính tả, ngữ pháp, trích dẫn”).

Trước khi bước xuống cầu thang để rời nhà, em osin nói vọng ra:

– “Chị đi đâu đấy?”

– “Đi đến khoa”.

Em ló mặt khỏi cánh cửa mở hé, đưa cho tôi 2000 đồng và một phong thư:

– “Chị mua cho em cái tem rồi gửi hộ em cái thư này nhé!”.

Các bạn chắc đều biết. Tem có 800 đồng một chiếc. Em ấy muốn tôi mua 2 cái rưỡi? Hẳn là em ấy không có tiền lẻ, mà lại rất cần gửi thư. Em ấy đang là pen-mate với một người lính trẻ đóng quân ở Lục Ngạn. (Mách thêm ngoài lề, em ấy còn yêu một anh ở quê Phú Thọ, và một anh ở Hà Nội. Cùng lúc. Mà tôi tận mắt chứng kiến là em lại rất ít khi ra khỏi cái-nhà-của-tôi).

– “Thôi, không phải đưa tiền. Điên à?”

Thực ra, em ấy không hề điên, kể cả khi em ấy có thể mất toi 1200 đồng vì vụ tem tiếc này. Lương em ấy cao bằng lương tôi tháng trước. Còn tháng này, tôi được tăng lương nên hơn em ấy gần 400.000 đồng. Nhưng tôi không được bao ăn, bao ở, cũng không có ai mua dầu gội đầu và kem dưỡng da cho. Vị chi, lương em ấy, bất kể tháng nào, cũng cao hơn lương tôi. Thế thì, họa có điên tôi mới phải trả tiền mua tem cho em ấy.

Nhưng thôi, cũng chẳng bõ bèn mấy.

Tôi gặp Việt Hà ở khoa, đang đưa một cuốn sách dày cộp về quảng cáo – chuyên ngành của Hà – cho một em sinh viên chính quy, cũng đang làm khoá luận. Em này vừa lên thư viện để đọc sách, trong lúc em ấy lơ là, đã bị trộm mất một quyển sách dày cộp khác, cũng về quảng cáo, cũng do chính Việt Hà cho mượn trước đó. Dù Việt Hà không cho em ấy phăng-teo, nhưng rút kinh nghiệm, Hà đánh dấu số trang cần photo rồi bắt em ấy phải tiến-hành-sao-chụp-và-trả-lại-ngay-tức-thì. Việt Hà, hoá ra, lại nhân đạo hơn tôi. Tôi thì sẽ chẳng bao giờ cho em ấy mượn cái gì nữa, kể cả 2000 đồng.

Nghĩ vậy, tôi liền kể câu chuyện 2000 đồng do osin đưa cho Việt Hà nghe. Em sinh viên, người vừa bị mất trộm sách (của Việt Hà), liền nói:

– “Em có tem đây. Em cho cô một cái này”

– “Ôi mừng quá. Thế em đi làm lương bao nhiêu?”

– “Dạ … không. Ý em là… Em nghĩ là cô phải đi mua 1 cái tem lẻ thì ngại lắm ạ”

Ừ nhỉ, ngại thật. Mà điên nữa. Đi mua tem trong thời buổi này á?

Giờ này, tôi đã gửi cái thư rồi. Cái bì thư cũ lem nhem vì em ôsin không kiếm đâu ra cái phong bì mới (không phải em ấy tiếc tiền, bõ bèn gì, mà vì em ấy không tiện xin ra ngoài chỉ vì mỗi một việc bé tí như thế). Tôi cứ có cảm giác tò mò ghen tị muốn được bóc phong thư đó ra coi lén.

Em ấy, hơn tôi đủ đường.

Tôi, muốn lúc nào chẳng có thể ra đường mà đi loanh quanh ngay được. Thế mà, không-một-người-yêu.

Posted in Viết lách lung tung | 2 Comments

Hiện tượng người nổi tiếng và chức năng xã hội của nó

Angelina Joile và Shiloh

Tóm tắt: Bài viết  này nghiêng về một tổng quan điểm luận hơn là một nghiên cứu trọn vẹn. Nó  xem xét hiện tượng người nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong bối cảnh xã hội Việt Nam dưới sự quy chiếu của lý thuyết nghiên cứu văn hóa, truyền thông. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích diễn ngôn. Hình ảnh người nổi tiếng được nhìn nhận như 1) một sự tái trình hiện của hiện thực, 2) một diễn ngôn, 3) một hàng hóa. Trên cơ sở đó, nghiên cứu thảo luận về chức năng xã hội của người nổi tiếng: 1) chức năng thay thế quan hệ liên cá nhân đã bị phá vỡ trong lối sống đô thị, 2) chức năng cung cấp các căn tính văn hóa đa dạng, 3) bước đầu đề cập tới chức năng ý thức hệ. Nghiên cứu đề xuất việc tìm một lối tiếp cận khác trong giáo dục để giúp công chúng có thể sống cân bằng trong thế giới biểu tượng do truyền thông đại chúng tạo ra.

Abstract: The essay is rather a literature review than an independent research, examining the phenomenon of celebrity construction in contemporary Vietnamese media  under the perspective of media and cultural theories. The key method is critical discourse analysis. The celebrity is viewed as 1) representation, 2) discourse, 3) commodity. From this approach, the research discusses possible social functions of celebrity: 1) the partly replacement of personal communication, 2) the offer of diverse cultural identities, 3) the ideological function. The research proposes a change in educational approach to provide adequate media literacy for the public to keep a balanced position in the highly symbolically mediated world.

Celebrity and its possible functions

HIỆN TƯỢNG NGƯỜI NỔI TIẾNG VÀ CHỨC NĂNG XÃ HỘI CỦA NÓ

NGUYỄN THU GIANG

“Người nổi tiếng là người nổi tiếng vì sự nổi tiếng của họ”

Daniel Boostin

Định nghĩa ấn tượng và được trích dẫn nhiều nhất về người nổi tiếng có lẽ thuộc về Daniel Boorstin: “Người nổi tiếng là người nổi tiếng vì sự nổi tiếng của họ”[1]. Từ năm 1962, Daniel Boorstin đã coi danh tiếng là một “đặc trưng của nền văn hóa này (Mỹ), của thế kỷ này, tựa như tính thần thánh của các vị thần Hy Lạp hồi thế kỷ 6 trước công nguyên”.[2] Danh tiếng dựa trên sự tạo chế của truyền thông đại chúng đã được nghiên cứu từ nhiều thập kỷ nay tại các nước có nền công nghiệp đại chúng phát triển. Thế nhưng, tới đầu thế kỷ 21, hiện tượng này mới đột ngột trở nên rõ nét trên bề mặt văn hóa Việt Nam, trong khi những nghiên cứu về nó ở nước ta vẫn hết sức nông mỏng. Việc bình luận về hiện tượng này hầu như đều tự động rơi vào diễn ngôn nhị phân giữa văn hóa tinh hoa (elite) và văn hóa đại chúng (pop), trong đó, hiện tượng “ngôi sao” thường bị coi là nông cạn và thấp kém, đồng thời là dấu hiệu của sự xuống cấp trong khiếu thẩm mỹ chung, cũng như đạo đức xã hội.[3] Góc nhìn này thực chất không phải không thuyết phục, nhưng hoàn toàn không đầy đủ. Mặc dù thật khó phủ nhận việc tạo dệt danh tiếng là một minh chứng khá điển hình cho quá trình “đần hóa” (dumbing down)[4] của văn hóa đại chúng (từ góc độ báo chí, bằng chứng thường được nêu ra là sự thay thế của thông tin “chính thống” bằng thông tin “giật gân”), tuy nhiên, xét tới sự phổ biến, tác động xã hội và sự phức tạp của hiện tượng này thì nó xứng đáng được nhìn nhận một cách đa diện hơn nữa.

Trong bài viết này, “người nổi tiếng” là cách gọi tương ứng với từ “celebrity” trong tiếng Anh. Mặc dù đây không phải một thuật ngữ khó hiểu, nhưng việc chọn từ tiếng Việt tương ứng với nó lại không dễ. Trong tiếng Anh, có sự khác biệt tương đối giữa cách dùng chữ “star” và “celebrity”, nhất là khi xét tới nguồn gốc của sự nổi tiếng. Cuốn từ điển thuật ngữ Communication, Cultural and Media Studies – The Key Concepts phân biệt: “Khái niệm “celebrity” khác với “star” ở chỗ “star” là sản phẩm của một loại phương tiện cụ thể là ngành điện ảnh Hollywood. Trong khi đó, “celebrity” lại xuất hiện trong những điều kiện hậu hiện đại, với sự sản xuất hình ảnh một cách thái quá, dẫn tới việc một số khuôn mặt và thân hình được nhận diện dễ dàng hơn”[5]. Như vậy, trong tiếng Việt, “star” được hiểu đúng nhất bằng từ “minh tinh”- một cách gọi tương đối cổ điển thường dành cho diễn viên điện ảnh. Gần đây, trên các văn bản truyền thông bằng tiếng Việt, người ta lại sử dụng chữ “sao”, hoặc “ngôi sao” để chỉ những người nổi danh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng rất nhiều người không phải “minh tinh”. Ngay cả những nhân vật gắn với sự nổi danh hoàn toàn mang tính thêu dệt (ví dụ như  Paris Hilton tại Mỹ, hay Phi Thanh Vân tại Việt Nam) cũng được xếp trong nhóm “sao”. Trong trường hợp này, nghĩa của từ “sao” gần với “celebrity” hơn, mặc dù dịch theo nghĩa đen thì nó phải trùng với “star”. Trong bài viết này, bên cạnh cụm từ “người nổi tiếng”, thì “ngôi sao” được hiểu cùng một nghĩa với “celebrity” [6]

Người nổi tiếng như là diễn ngôn[7] (discourse)

Bản thân Daniel Boorstin cũng là người bình luận về hiện tượng người nổi tiếng với một tiếng thở dài. Ông là người sớm đưa ra sự phân tách kinh điển giữa mô hình người hùng (hero) và người nổi tiếng (celebrity). Theo Boorstin, người nổi tiếng được “tạo chế ra với mục đích thỏa mãn kỳ vọng bị cường điệu quá mức về tính vĩ đại của con người”, trong khi đó, người hùng được ngưỡng mộ bởi quả thực đạt được một “sự vĩ đại do một thành tựu nào đó”. Mô hình người nổi tiếng đã thay thế cho mô hình người hùng của thời kỳ tiền-đại-chúng, do sự cộng hợp của nhiều điều kiệu văn hóa – xã hội, mà đáng chú ý hơn cả là sự bùng nổ của công nghệ. Theo Boorstin, “Người hùng tự tạo ra chính mình, còn người nổi tiếng do truyền thông tạo ra”. [8]

Nếu như quá trình hình thành tâm thức về người hùng đạt được thông qua việc hồi cố lại những thành tựu của họ, thì quá trình kiến tạo danh tiếng của một “ngôi sao” lại chỉ bắt đầu khi truyền thông chuyển mối quan tâm từ những hoạt động nghề nghiệp (nói cách khác là những thành tựu) của họ sang đời sống riêng tư. Một diễn viên điện ảnh sẽ chỉ trở thành ngôi sao khi công chúng thấy rằng đời sống thật của họ thú vị hơn vai diễn. Dần dần, danh tiếng được thêu dệt của họ sẽ sống lâu hơn ký ức về chính sự nghiệp của họ. Cách phân tích này đẩy quan điểm nhị phân của Boorstin đi xa hơn nữa, khi người nổi tiếng không chỉ được nhìn nhận như kết quả của một quá trình đóng kín, mà bản thân hiện tượng này là một quá trình mở mang tính diễn ngôn, nơi các xung lực văn hóa – xã hội liên tục thương thỏa để tạo nghĩa cho các hiện tượng, hình ảnh và căn tính.

Trên bề mặt truyền thông đại chúng, người nổi tiếng là sự tái trình hiện (representation) của một “hiện thực” ngoài kia. Trong Mythologies, bằng cách nhìn nhận người nổi tiếng như là văn bản, Roland Barthes đã “đọc” ra “gương mặt nàng Garbo[9]”, “bộ não của Einstien” cũng như “nghệ thuật thanh nhạc tư sản”. Tất nhiên, trong kỷ nguyên bùng nổ truyền thông như hiện nay, cái “hiện thực” mà người nổi tiếng tái trình hiện lại (tức “chính họ”) cũng chỉ là một ảo giác, một đầu vào của đường hầm này, nhưng lại là đầu ra của đường hầm khác. Tuy nhiên, quá trình huyền thoại hóa mà Barthes đã phân tích trong Mythologies vẫn xuyên suốt sự kiến tạo của truyền thông, chỉ có điều, vật đối chiếu ngày càng loãng hơn, khó nắm giữ hơn, và đôi khi, hoàn toàn không có điểm gốc để quy chiếu. Dù vậy, giống như bản chất của mọi ký hiệu, sự lập lờ giữa hình ảnh người nổi tiếng và “chính họ” vẫn là hai phía của một cách cửa quay, không ngừng luân phiên giữa chính hình thức đã gần như rỗng nghĩa và phần nghĩa đã thoái hóa đi. Barthes viết: “Hình thức ở đấy trống rỗng mà hiện hữu; nghĩa ở đấy vắng bóng thế nhưng lại đầy ắp. Tôi sẽ chỉ có thể ngạc nhiên về mâu thuẫn ấy nếu tôi cố tình dừng lại cái cửa quay luân phiên giữa hình thức và nghĩa”. [10] Tính năng động ấy có thể thấy rất rõ qua sự lưỡng lự đầy mâu thuẫn của công chúng trước hình ảnh ngôi sao. Họ quả thật là “đặc biệt”, hay cũng “chỉ như ta” mà thôi? Danh tiếng đó là “bề mặt”, hay là “bản chất”? Họ quả xứng đáng với tiếng tăm đang có, hay chỉ là “ăn may, gặp thời”? Họ là những tài năng thiên phú hay chỉ thuần là “đồ rỏm”? Cảm xúc của ta đâu là chân xác giữa sự ngưỡng mộ khi nhìn họ kiêu hãnh trên thảm đỏ và cú giật mình khi bất chợt gặp họ không son phấn trên đường? [11]

Quả thế, một mặt, người nổi tiếng luôn phi thực, bởi họ dường như không tồn tại thật, mà là sự cộng dồn của vô số hình ảnh đại chúng. Mặt khác, họ lại cực kỳ bình thường, vì cũng sinh con, cũng bị chồng bỏ, cũng có mụn. Cái sự lập lờ hai mặt ấy khiến cho mọi thứ đều có thể và mọi thứ đều được chấp nhận. Một ngôi sao có thể vừa “lộ hàng” hoặc “khoe ngực”, ngay sau đó, đoạt Vương miện Hoa hậu, và đồng thời, bị bắt gặp rất “bình thường” khi đi siêu thị mua hàng. Những bài viết mang tính giải thiêng ngôi sao như “Khi sao không make-up” hoặc “Hoa hậu đi thi tốt nghiệp” chỉ khiến công chúng chìm thêm vào sự lập lờ của nghĩa, và trong nhiều trường hợp, thêm mê đắm cái thế giới “lộng lẫy” kia, khi nó hàm chứa cả sự “bình thường”, thậm chí “tầm thường” của đời sống hàng ngày.

Một điểm khá thú vị khi xem xét tới các văn bản truyền thông về người nổi tiếng là khi cánh cửa xoay qua lại giữa một bên là sự công cộng, và một bên là tính riêng tư. Cả nhà báo lẫn công chúng đều ưa sự riêng tư, sự bí mật, sự bất ngờ hơn (ví như một cuộc tình lén lút, một sự hở hang vô ý, một bức ảnh paparazzi) nhưng tính công cộng (một giải thưởng, một bộ phim hay, một cuộc trình diễn tốt được báo chí đưa tin) lại có vai trò riêng trong diễn ngôn về danh tiếng. Nó như một chứng cớ ngoại phạm (alibi) cho cả người nổi tiếng lẫn công chúng trước việc vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức thông thường của con người. Vì người nổi tiếng sẵn có tính công cộng, nên công chúng vơi bớt gánh nặng đạo đức của việc xoi mói đời tư ngườt khác (việc này có vẻ dễ tha thứ hơn việc cố tình nhìn trộm hàng xóm). Trong khi đó, người nổi tiếng có quyền nghĩ rằng việc phô bày đời tư, thậm chí, phô bày thân thể trên truyền thông đại chúng là chấp nhận được, bởi bản thân họ không còn thuộc về họ, mà đã là “người của công chúng”.

Hãy xét trường hợp của Lady Gaga. Người Việt Nam chắng có mấy cơ hội được xem Lady Gaga biểu diễn trực tiếp [12] và số người xem nghe băng đĩa của ca sĩ này chỉ chiếm một phần nhỏ trong “công chúng” của Gaga. Tới thời điểm này, có lẽ giới trẻ ai cũng biết tới (hình thức) của cô, thậm chí nhái theo. Mặc dù danh tiếng của Lady Gaga, ít nhất là tại Việt Nam, được tạo chế hoàn toàn từ những mẩu tin mà giới truyền thông cung cấp (chủ yếu là soi mói cách ăn mặc của ca sĩ này), nhưng công chúng vẫn bao biện cho mối quan tâm có vẻ vô bổ của mình: Cô ấy có tài. Cô ấy sáng tác. Cô ấy được giải. Cô ấy hát hay. Cho nên, đó chắc cũng là một trường hợp “lắm tài nhiều tật” nữa trong làng nghệ sĩ mà thôi. Ít người nghĩ rằng trong nền công nghiệp giải trí hiện nay, cũng khó mà nói được đâu là tài, đâu là tật.

Đây là lúc thuận lợi để bàn tới điều kiện của người nổi tiếng. Như đã trình bày ở trên, John Harley cho rằng người nổi tiếng xuất hiện do “sự sản xuất hình ảnh một cách thái quá dẫn tới việc một số khuôn mặt và thân hình được nhận diện dễ dàng hơn”. Sự nổi tiếng là một hiện tượng không mới[13], nhưng nhiều người cho rằng cái chúng ta đang chứng kiến hôm nay không chỉ là sự phát triển về lượng của một truyền thống có sẵn, mà là một sự thay đổi về chất trong môi trường truyền thông. Một trong những điều kiện cơ bản vẫn được nêu ra là sự phổ biến cùng lúc của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng internet. Ở Việt Nam, mạng toàn cầu nói chung và các trang thông tin trực tuyến nói riêng luôn là loại phương tiện bị “ghép tội” đầu tiên cho quá trình này. Nói một cách bóng bẩy thì internet là nước, còn người nổi tiếng là cá. Mạng internet chính là một trong những điều kiện hậu hiện đại của người nổi tiếng, bởi khả năng dung chứa thông tin vô hạn, sự phi tuyến tính, phi định kỳ, nặc danh hóa và cá nhân hóa tuyệt đối trong hành vi đọc. Tuy nhiên, ít nhất là trong hoàn cảnh ViệtNam, không thể không nói tới hai phương tiện quan trọng khác. Đó là truyền hình và nhiếp ảnh.

Việc xuất hiện trên truyền hình, đặc biệt là các kênh VTV1 và VTV3 của truyền hình quốc gia đồng nghĩa với việc danh tiếng được chính-thức-chấp-nhận. Từ đây, có một sự phân tách tương đối rõ ràng giữa các ngôi sao truyền hình (gồm có các MC, các diễn viên truyền hình – những người mà hình ảnh có tính phụ thuộc khá cao vào tần suất trên màn ảnh nhỏ và vì thế, ít tính năng động hơn) với các ngôi sao “tự do” – những người được xuất hiện trên truyền hình, đặc biệt là kênh truyền hình quốc gia. Ví dụ, khá lâu sau khi trở thành “sao”, Đàm Vĩnh Hưng mới được hát trong các chương trình của nhà đài, tức là ca sĩ này đã tiến thêm một bước trong quá trình định vị danh tiếng của mình.[14] Tất nhiên, với xu hướng hội tụ truyền thông như hiện nay, và với nguyên tắc “tất cả vì quyền lợi của khán giả”, luôn có một sự tráo đổi qua lại thường xuyên giữa hai loại ngôi sao này.

Tác giả Trần Hữu Quang đã xác nhận xu hướng đặc biệt ưa chuộng truyền hình tại Việt Namkhi tiến hành một khảo sát xã hội học đối với công chúng truyền thông đại chúng TP. Hồ Chí Minh [15]. Với đặc trưng tạo ấn tượng thị giác bằng hình ảnh động, lượng người xem tập trung, cùng một thiết chế vững chãi, truyền hình bao giờ cũng là nơi cung cấp những diễn ngôn hạt nhân và các phương tiện truyền thông khác sẽ nối tiếp bằng cách nói thêm về nó. Các cuộc thi trên truyền hình hiện nay như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Sáng bừng sức sống, Vietnam Next Top Model, Cặp đôi hoàn hảo v.v., đang chiếm thời lượng và sự chú ý không nhỏ của công chúng (đồng nghĩa với nó là doanh thu quảng cáo). Đó là chưa kể tới sự phơi sáng liên tục của hàng loạt diễn viên truyền hình Việt, Trung, Hàn, Mỹ, cùng các game show mà người chơi cũng là người nổi tiếng (ví dụ như Trò chơi âm nhạc, Ấn tượng Việt Nam). Một xung lực đáng kể khác là các TVC quảng cáo (chính nó nuôi sống truyền hình). Sử dụng gương mặt người nổi tiếng trong quảng cáo sản phẩm (celebrity endorsement) là một chiến lược kinh doanh, nhưng cũng là một cách bồi đắp thêm danh tiếng cho nhân vật quảng cáo và biến họ thành một hình ảnh “được nhận diện dễ dàng hơn”. Rõ ràng, tất cả những văn bản truyền hình vừa nêu trên đều chỉ xoay quanh một hiện tượng duy nhất: sự khát khao danh tiếng.

Một loại phương tiện nữa cần được bàn tới trong diễn ngôn về sự nổi tiếng là nhiếp ảnh. Thiếu phương tiện này, toàn bộ đặc tính lá cải của hệ thống báo mạng và tạp chí dành cho phụ nữ đều sụp đổ. Paparazzi là một trong những ngách phát triển của nhiếp ảnh để phục vụ riêng cho người nổi tiếng. Trong khi ảnh paparazzi càng đời thường càng tốt (thậm chí chất lượng chụp kém, thiếu sáng hay mờ nhòe) thì ảnh nghệ thuật càng đẹp, càng “khác” với đời thường càng tốt. Ngay cả khi chưa có sự can thiệp của photoshop thì các bộ ảnh người mẫu, diễn viên, ca sĩ vẫn mang tính tạo chế không giấu giếm (mỗi bộ ảnh có một ý tưởng, và người mẫu phải biết diễn xuất theo ý tưởng đó). Đến nay, hết bộ ảnh này đến bộ ảnh khác đã trở thành món ăn khuyến mại hào phóng cho hầu hết các bài viết về lĩnh vực văn hóa – giải trí trên báo mạng và tạp chí giải trí. Nó cũng là loại thực phẩm bổ béo nuôi dưỡng sự tưởng tượng của công chúng về ngôi sao của họ.

Trong hướng tiếp cận này, Jean Baudrillard có lẽ là người đẩy xa nhất cái viễn cảnh về một thế giới truyền thông nơi mà sự thật hoàn toàn tiêu biến mà chỉ có sự mô phỏng tuyệt đối. Baudrillard bàn rất kỹ về quá trình mất nghĩa do sự quá sản[16] của thông tin tạo ra, trong đó, cái còn sót lại không phải là nội dung, mà là bóng ma của nó (phantom content). Tất cả đều “chẳng là gì cả ngoài sự tái chế của phần âm bản của thiết chế cũ”[17]. Tuy nhiên, cách phân tích đẩy sức mạnh của sự mô phỏng đi quá xa và triệt tiêu hoàn toàn khả năng tự chủ của công chúng như Baudrillard, theo tôi, không thuyết phục bởi công chúng của truyền thông luôn có khả năng tự lựa chọn và trong chừng mực nào đó, vượt thoát khỏi cái bẫy của sự mô phỏng.

Người nổi tiếng như là hàng hóa

Cách hiểu đậm màu sắc hậu hiện đại của Baudrillard sẽ được lôi xuống mặt đất nếu chúng ta nhìn nhận người nổi tiếng là một hàng hóa (commodity) thay vì một diễn ngôn. Rút cuộc, phải có một ai đó có lãi trong toàn bộ quá trình danh tiếng hóa ồ ạt của ngành công nghiệp giải trí. Vật trao đổi then chốt trong ngành công nghiệp này không phải là tiền, mà là công chúng. Các bài báo, chương trình truyền hình, chương trình phát thanh v.v. thu hút công chúng, rồi bán họ cho nhà quảng cáo/ nhà tài trợ. Vì thế, trước mỗi thông điệp truyền thông, các nhà giáo dục về truyền thông đều nhắc nhở công chúng phải tự đặt câu hỏi: “Ta đang bán đôi mắt của mình cho ai?”[18]

Chiến lược tạo lập hình ảnh một ngôi sao không có gì khác biệt với việc tạo lập thương hiệu cho một sản phẩm. Nói cách khác, chiếc Iphone cũng là một “celebrity”, nếu xét từ góc độ chiến lược xây dựng hình ảnh. Daniel Boorstin đã chỉ ra một khác niệm rất nổi tiếng là những sự kiện ngụy giả (psuedo-event) và những con người ngụy giả (psuedo-man) để phê phán khía cạnh thương mại hóa của ngành công nghiệp danh tiếng. Ở Mỹ, không chỉ trong lĩnh vực giải trí, mà cả trong giới chính trị, các sự kiện đều được dựng lên cốt để truyền thông đưa tin về nó. Ở Việt Nam hiện nay, tiêu chí đánh giá sự thành công của mỗi sự kiện giải trí không phải là có tốt không, mà là truyền thông đưa tin về nó có tốt không. Người nổi tiếng được trả tiền để xuất hiện trong các sự kiện, tạo dáng chụp hình trước tên thương hiệu, rồi sau đó, cả người lẫn thương hiệu cùng xuất hiện trên mặt báo. Để tránh trở thành kẻ quảng cáo không công, nhiều tờ báo điện tử hiện nay xóa mờ tên thương hiệu trong các bức ảnh kiểu này. Tất nhiên, khi đó, người nổi tiếng càng xứng đáng được đăng hình vì việc đó bỗng nhiên trở nên “đạo đức” hơn thông qua hành vi khước từ quảng cáo.

Việc xem xét hiện tượng người nổi tiếng dưới góc độ hàng hóa cho thấy có một thỏa ước ngầm làm tiền đề cho sự tồn tại của danh tiếng. Đó là việc chúng ta giả định rằng lựa chọn của số đông là lựa chọn đúng, và hơn nữa, không ai ép được công chúng đọc/xem thứ họ không muốn. Không một cơ quan pháp luật nào có thể quản lý triệt để hiện tượng này, bởi bản thân pháp luật cũng được xây dựng trên tiền giả định về quyền tự do của con người (Ở Việt Nam, các nhà phê bình có thói quen yêu cầu pháp luật can thiệt trong trường hợp không thể dùng ngòi bút để ngăn chặn các “thảm họa văn hóa”). Quan điểm nhìn nhận người nổi tiếng như là hàng hóa dẫn tới sự liên nối dễ gây tranh cãi giữa người nổi tiếng với tính tự do của một xã hội. Điều này sẽ bàn tới ở phần bàn luận về chức năng của người nổi tiếng dưới đây.

Chức năng xã hội của người nổi tiếng

Trước khi bàn tới chức năng xã hội của người tổi tiếng, tôi muốn làm rõ quan điểm của mình về việc tại sao lâu nay tại chúng ta ít bàn tới vấn đề này. Như đã trình bày ở trên, lối phân tích nhị phân nhìn nhận người nổi tiếng như sự xuống cấp của văn hóa tinh hoa chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận hiện tượng này, nhưng lại gần như là cách tiếp cận duy nhất tại ViệtNam. Bên cạnh tính thuyết phục của nó thì lối phân tích này không mở ra một cơ hội nào để xem xét tới chức năng xã hội của người nổi tiếng (bởi người nổi tiếng nhìn chung bị cho là một hiện tượng có hại nhiều hơn có lợi).

– Chức năng cân bằng nhu cầu giao tiếp của người đô thị

Nếu xét từ góc độ xã hội học, cái nhu cầu “nhìn trộm”, “nghe lén” của con người được nối dài và đạt tới một phẩm cấp mới nhờ vào các phương tiện truyền thông đại chúng. Cách đây hơn 70 năm, nhà xã hội học Louis Wirth (Mỹ) đã chỉ ra một đặc trưng xác đáng của đô thị trong bài viết kinh điển Urbanism as a way of life (Đô thị như một lối sống). Đó là sự chuyển đổi từ giao tiếp liên cá nhân (tức là giao tiếp trực tiếp giữa người với người) của lối sống nông thôn trên cơ sở gia đình, họ tộc, làng xóm, sang giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông. Nói cách khác, truyền thông đại chúng là một trong những đặc trưng cơ bản của lối sống đô thị. Wirth phân tích: “Trong một cộng đồng mà số lượng cá nhân vượt quá khá năng quen biết riêng tư, cũng như việc tụ tập tại cùng một địa điểm là không thể, thì con người cần phải truyền thông với nhau thông qua các phương tiện gián tiếp, nhằm khớp nối những mối quan tâm của các cá nhân lại với nhau thông qua một quá trình ủy thác”. Wirth viết tiếp: “Những đám đông đại chúng trong các đô thị buộc phải lệ thuộc vào sự thao túng của các biểu tượng, các mẫu rập khuôn (stereotype) do những cá nhân đứng ở hậu trường điều khiển”[19].

Cụ thể hơn, vào thời kỳ tiền văn hóa đại chúng, các cá nhân định vị sự tồn tại xã hội của mình bằng cách trò chuyện với hàng xóm, họ hàng, con cháu. Nhờ mối kết giao trực tiếp ấy mà họ biết mình thuộc về cùng một cộng đồng thông tin, bởi tất cả cùng biết chung một chuyện. Nào là bà X vừa tậu xe mới, ông Y có con trai đỗ đại học, hay con bé Z dính bầu rồi.

Thế còn người đô thị? Họ lấy gì để định vị sự tồn tại mang tính xã hội của mình, khi mà ở cả nơi sinh sống lẫn nơi làm việc, họ chỉ là những cá nhân rời rạc, chẳng chung quê quán, cũng không cùng huyết thống? Đó là lý do khiến họ tìm tới, ủy thác và lệ thuộc vào mạng lưới truyền thông đại chúng, để nhận biết sự tồn tại của mình như một cá thể của một tập hợp lớn hơn, từ đó, biết rằng họ vẫn là thành viên của một cộng đồng thông tin nào đó. Cái cộng đồng ấy, thay vì chia sẻ chuyện con bé Z ở đầu xóm vừa dính bầu, giờ cùng xôn xao về những bà mẹ nổi tiếng (ví dụ như câu chuyện sinh con của ca sĩ Hồ Ngọc Hà). Thay vì thèm muốn sự giàu có của bà X, họ lại cùng ngưỡng vọng sự xa hoa của một chiếc du thuyền, hay căn biệt thự của một người đẹp nào đó. Thay vì truyền tai nhau chuyện nhà ông Y có con trai vừa đỗ đại học, họ cùng mổ xẻ bảng điểm cấp III của một Hoa hậu mới đăng quang.

Những nhóm công chúng tham gia vào giao tiếp đại chúng một cách sâu sắc, ví dụ như giới văn phòng, hoặc thanh thiếu niên sẽ phát tán tin tức và bàn luận tích cực hơn các nhóm công chúng khác. Đồng nghĩa với điều đó là sự thiết lập một quá trình nối dài các câu chuyện đại chúng qua kênh giao tiếp miệng, từ đó, tạo ra một cộng đồng thực-ảo lẫn lộn, với sự đan cài phức tạp của nhiều hệ giá trị.

– Chức năng cung cấp sự đa dạng về căn tính văn hóa [20]

Từ đây, chúng ta có thể xem xét vai trò của diễn ngôn người nổi tiếng dưới góc độ ký hiệu học. Tôi cho rằng, trong một xã hội như ở Việt Nam, nơi mà báo chí vẫn chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ hơn về mặt chính trị thì các văn bản liên quan tới lĩnh vực giải trí-nghệ thuật, là địa hạt giải phóng nhiều diễn ngôn phong phú hơn. Nói cách khác, đây là địa hạt cung cấp những ký hiệu, biểu tượng và huyền thoại đa dạng và công khai, để tạo lập các căn tính mới, các giá trị mới, các giọng điệu mới. Đời sống xã hội, vì thế, có điều kiện để giải phóng một số căng thẳng (tension) giữa cũ-mới, Đông-Tây, già-trẻ, nam-nữ v.v. (trong nhiều trường hợp, sau khi được giải phóng, các căng thẳng này lại bị nới rộng ra dưới một chiều kích mới).

Ở đây, tôi muốn phân tích một trường hợp mà theo tôi là khá thú vị và chắc chắn còn nhiều tranh cãi. Đó là diễn ngôn về sự nổi tiếng đặt trong bối cảnh phân loại ngôi sao theo nguồn gốc quốc gia. Nhìn từ các văn bản báo mạng, báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, chúng ta thấy tại ViệtNamchủ yếu có các loại “ngôi sao” sau:

– Sao ViệtNam

– Sao Trung Quốc

– Sao Hàn Quốc

– Sao Hollywood (chủ yếu là Mỹ, Anh, Úc)

Nếu xét về lịch sử, thì các ngôi sao Trung Quốc có lẽ tạo cảm giác gần gũi hơn cả đối với người đô thị bởi công chúng đô thị tiếp xúc với các ngôi sao Trung Quốc khi sao Việt Nam còn chưa xuất hiện. Một thế hệ ngôi sao phim kiếm hiệp, hình sự và tâm lý xã hội Trung Quốc (trong phim băng từ thuê ngoài hàng) của các bộ phim như Thần điêu đại hiệp, Xóm vắng, Cảnh sát hình sự v.v.[21], cùng những bộ phim truyền hình Trung Quốc được trình chiếu trên truyền hình cách đây hàng chục năm như Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Bao Thanh Thiên v.v., đã khiến cho hình ảnh các ngôi sao Trung Quốc và Hồng Kông có vẻ “người nhà” hơn hẳn so với sự bảnh bao và xa ngái của các ngôi sao Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, bất chấp sự gần gũi này, tâm lý không ưa văn hóa Trung Hoa của người Việt Nam vẫn thấy rõ khi nhiều diễn đàn cả thực lẫn ảo cho rằng phim cổ trang của chúng ta không được “giống Trung Quốc”, hay việc những ngôi sao nữ trót lộ ảnh mặc áo sườn xám bị cộng đồng truyền thông tẩy chay vì không có tinh thần dân tộc.

Khác với sự nghiêm túc và lâm li vốn thấy trong các bộ phim phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc cung cấp một loại ngôi sao “vừa xinh” với nhu cầu xem phim cho vui. Sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân trong giới trẻ thành thị chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, nhưng lại lấy mốc chuẩn là các ngôi sao Hàn Quốc. Những kiểu tóc, những mô típ yêu đương, gu thời trang, hàng hiệu mỹ phẩm, đồ điện tử Hàn Quốc cùng lúc vừa xuất hiện trong phim, vừa đắt hàng ngoài đời. Khuất lấp sau đó là mối giao kết về kinh tế giữa hai quốc gia châu Á.

Vị trí vừa thượng đẳng, vừa “lộng lẫy”, nhưng cũng vừa trần tục hơn cả dành cho các ngôi sao Hollywood. Họ không phải là người châu Á, vì thế, diễn ngôn về họ thực sự là diễn ngôn về kẻ khác (other). “Người ViệtNam mình” ai có thể kỳ lạ được như Lady Gaga, rỗng tuếch đến như Paris Hilton, hay tự do như Angelina Jolie. Công chúng cũng thấy thoải mái nhất khi tiếp cận những thông tin riêng tư về các ngôi sao này, một mặt bởi họ “không phải mình”, mặc khác là nhờ ăn theo hệ thống báo lá cải đã phát triển từ lâu ở các nước Anh Mỹ.

Đối với sao ViệtNam, cái nhìn bao giờ cũng khắt khe hơn hẳn (họ là mình). Họ rất thường xuyên bị đặt trong thế so sánh với ngôi sao ở nước khác, hoặc rơi vào diễn ngôn giữa truyền thống và hiện đại: Phim này giống phim cổ trang Tàu, bài hát này đạo nhạc phim Hàn Quốc, kịch bản điện ảnh kia đạo phim Hollywood v.v.. Nếu như ngôi sao quá nghiêm cẩn thì sẽ bị cho là “nhạt nhẽo”, còn nếu có quá nhiều vụ bệ bối thì sẽ bị coi là “lố lăng”, “mất gốc”, hay “sính ngoại”.

Tác giả David P. Marshall trình bày trong cuốn Celebrity and Power: Fame in Contemprorary Culture (1997): “Những loại thông điệp mà người nổi tiếng cung cấp cho công chúng đều xoay quanh quá trình định vị căn tính cá nhân, sự khác biệt xã hội và tính phổ quát trong các kiểu mẫu nhân cách. Người nổi tiếng tái trình hiện lại một vị trí chủ thể (subject position) mà công chúng có thể sử dụng hoặc phỏng theo trong quá trình hình thành căn tính xã hội của mình”[22].

Cách đây gần hai thập kỷ, đường phố Hà Nội từng vắng lặng và ít cướp giật hơn trong giờ chiếu bộ phim truyền hình Người giàu cũng khóc. Đó có lẽ là lần đầu tiên công chúng Việt Nam, sau những ngày ngột ngạt về cả vật chất và tinh thần của thời bao cấp, được quẳng mình vào cái gọi là giải-trí-đích-thực. Sau đó, chúng ta có Đơn giản tôi là Maria, cũng gây sốt tới mức những từ như “Ét-te”, “môi La-ra” đã đi vào vốn từ vựng lâm thời của nhiều cư dân thủ đô. Phim Ôsin cũng tạo ra một hiệu ứng tương tự. Tiếp nữa, chúng ta có SV96 với sự xuất hiện của nhà báo Lại Văn Sâm, một trong những MC đầu tiên với dấu ấn khó phai mờ của “chín, chín phẩy năm và chín”.

Cứ thế, những chương trình giải trí ít ỏi thủa đầu dần trở thành những làn sóng đa dạng, từ sóng Mỹ, Hàn, Trung tới “Gái nhảy”, rồi V-Pop. Người ViệtNamđã chìm vào một cả một vùng biển của sự-giải-trí trong thời đại thông tin với vô số những ký hiệu, những huyền thoại, những mẫu hình.

– Chức năng củng cố  ý thức hệ (ideological function)

Từ chức năng cung cấp các căn tính vừa phân tích, tôi cho rằng, trong điều kiện xã hội Việt Nam, khó có thể phủ định chức năng ý thức hệ của hiện tượng người nổi tiếng. Nếu như người nổi tiếng đóng vai trò như một địa hạt nơi căn tính xã hội được hình thành và cụ thể hóa, từ đó, tiếp tục được lựa chọn, tranh luận, đánh giá, điều chỉnh và chia sẻ (có lẽ đó mới chính là nội dung “thật” của hiện tượng này) thì rất có thể nó phát triển song hành với chủ nghĩa cá nhân, đặt trên cơ sở một nền dân chủ tư sản. David P. Marshall cho rằng hiện tượng người nổi tiếng là một trong những cơ chế quan trọng để kiến tạo và duy trì mối liên kết mang tính diễn ngôn giữa chủ nghĩa tư bản tiêu dùng, nền dân chủ và chủ nghĩa cá nhân [23].

Trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh, báo chí Việt Nam từng đưa tin về người anh hùng cách mạng như một cách củng cố ý thức hệ khá hiển ngôn và có dụng ý rõ ràng (thường gọi là “nêu gương”). Trong khi đó, hiện tượng người nổi tiếng trên truyền thông đại chúng hiện nay lại khá “tự nhiên” và trong nhiều trường hợp, bản thân người nổi tiếng, người đưa tin, lẫn công chúng đều không có ý thức rõ ràng về sự tham gia của họ vào không gian của chủ nghĩa tiêu dùng. Tuy nhiên, đó lại là không gian phù hợp nhất, và có thể nói là duy nhất từ trước tới giờ cho phép hiện tượng người nổi tiếng phát triển. Đồng thời, hiện tượng người nổi tiếng lại củng cố và quan trọng hơn cả, biến những giá trị mang tính ý thức hệ trở nên “tự nhiên” và khó phát hiện đối với công chúng [24].

Để không rơi vào tương đối chủ nghĩa

Những chức năng xã hội vừa phân tích trên đây đã nới rộng góc nhìn về hiện tượng người nổi tiếng. Nó được thao tác bằng phương pháp của ngành Nghiên cứu văn hóa (Cultural Studies)[25], một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam, nhất là trong mối quan hệ với nghiên cứu truyền thông. Mang màu sắc Marxist, ngành nghiên cứu mang tính phê phán này rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của một nền truyền thông, nhưng một trong những mối nguy đến từ phương pháp của ngành này chính là việc rơi vào tương đối chủ nghĩa, bởi dường như điều gì cũng có thể đúng, và điều gì cũng có thể sai. Tuy nhiên, đồng nhất góc tiếp cận của ngành Nghiên cứu văn hóa với tương đối chủ nghĩa chỉ là một trong những cách nhìn nhận. Không phải lúc nào sự phản tư, sự giải cấu trúc, và sự không bất biến của quá trình nhận thức cũng đồng nghĩa với hư vô chủ nghĩa.

Một phản đề quan trọng, và cũng là một hướng nghiên cứu rất cần thiết để làm đối trọng cho góc tiếp cận mang màu sắc quyết định luận truyền thông mà tôi trình bày trong bài viết này là lý thuyết về sự tự chủ cá nhân (agency)[26]. Bên cạnh sự thuyết phục về tầm quan trọng của truyền thông đại chúng, chúng ta bắt buộc phải xem xét tới sự tiếp nhận chủ động và độc lập từ phía công chúng. Tính tự chủ ở đây được hiểu là năng lực xã hội của con người trong việc đưa ra quyết định và tạo sự khác biệt. Nếu như toàn bộ sự tái trình hiện của truyền thông đại chúng giống như một tổ hợp âm nhạc không tác giả – một hoàn cảnh cho sẵn – thì mỗi cá nhân vẫn đang trình diễn điệu nhảy riêng của mình, góp phần làm thay đổi hoàn cảnh sẵn có, và tạo nên những giá trị cũng như tính trách nhiệm riêng cho bản thân [27].

Với tư cách một người tham gia vào công tác giảng dạy, tôi vẫn tin vào vai trò của giáo dục, nhất là trách nhiệm của người dạy trong việc cung cấp các công cụ tư duy cho người học, khi các hiện tượng truyền thông ngày càng có tác động lớn tới giới trẻ. Cả nhà báo và độc giả đều cần hiểu rằng không có thứ gì gọi là những màn giải trí “đơn thuần”, những văn bản truyền thông “vô can”, những nhà báo “vô can”, và ngay cả những độc giả “vô can”. Tất cả những chủ thể một khi đã tham gia vào diễn ngôn, thì dù đứng ở phía nào, cũng phải tuân theo luật lệ của diễn ngôn. Dù là khen, hay chê, thì cũng đồng nghĩa với việc công nhận diễn ngôn đó. Hơn ai hết, công chúng cần hiểu rằng văn bản truyền thông đều mang tính tạo chế, đều ngầm tải nghĩa, giá trị, thiên kiến, và hơn hết, phản án các mối quan hệ quyền lực phức tạp. Tìm được một lối sống lành mạnh giữa lòng truyền thông đại chúng không có nghĩa là tẩy chay, mà là vẫn tiêu thụ (và hưởng thụ), nhưng vẫn duy trì một năng lực tự chủ và phản tư cần thiết để cân bằng trong cuộc sống[28].

Cách đây gần 3 thập kỷ, tại Hội nghị Giáo dục truyền thông năm 1982 do Liên hiệp quốc tổ chức, UNESCO đã bày tỏ quan ngại về thế giới truyền thông đại chúng trong Tuyên bố chung của hội nghị: “Nhà trường và gia đình chia sẻ trách nhiệm chuẩn bị cho những người trẻ tuổi sống trong một thế giới của những hình ảnh, ngôn từ, âm thanh với sức tác động mạnh mẽ. Cả trẻ em và người lớn cần được giáo dục về cả ba hệ thống mang tính biểu tượng này. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại những ưu tiên của giáo dục ”.[29]

Để kết thúc, tôi cho rằng chúng ta không chỉ cần tới sự hiểu biết thấu đáo về ba hệ thống ký hiệu trên, mà cùng với đó là giáo dục cho người trẻ một năng lực cảm thụ tốt, và một khả năng tư duy phê phán lành mạnh để họ có thể liên tục quy chiếu những hiện tượng phức tạp của đời sống về một trục chuẩn đến từ cảm năng trong sáng và lành mạnh được bồi đắp từ tuổi nhỏ. Đó có lẽ là con đường để chúng ta không rơi vào cực đoan, mà cũng không rơi vào hư vô chủ nghĩa.


[1] Daniel Broostin, The Image: A Guide to Pseudo-Events in America.New York: Athenneum, 1982, trang 49.

[2] Sđd, trang 49.

[3] Nhân ngày Báo chí Cách mạng 21/6/2011, ít nhất hai đại diện báo chí có uy tín của Việt Nam là báo Thể thao – Văn hóa (thuộc TTXVN) và Bản tin thời sự VTV1 cùng có loạt bài phê phán hiện tượng “Playboy hóa báo chí”. Cả hai diễn đàn này đều kết luận xu hướng lá cải hóa báo chí, cụ thể là sự tràn ngập thông tin rẻ tiền về người nổi tiếng, đi kèm với sự phổ biến của các sản phẩm nghệ thuật tồi cho thấy sự đi xuống của khiếu thẩm mỹ chung, cũng như của đạo đức xã hội. Những hiện tượng này được gọi là “sến – sốc – sex”, hoặc “thảm họa” (thảm họa báo mạng, thảm họa thời trang, thảm họa văn hóa v.v.)

[4] “Dumbing down” là khái niệm thường được sử dụng để chỉ quá trình giản lược hóa, sai biệt hóa những ý niệm phức tạp thuộc các lĩnh vực tri thức được cho là cao cấp, tinh chuyên (giáo dục, triết học, nghệ thuật v.v.) để giúp công diện rộng có thể dễ tiếp thu.

[5] John Hartley, Communication, Cultural and Media Studies – The Key Concepts, Routledge, 2002, trang 26.

[6] Tôi xin chân thành cảm ơn dịch giả Chu Trung Can đã có những góp ý hết sức quý giá trong việc hiểu và tạm dịch những thuật ngữ này.

[7] Diễn ngôn là một thuật ngữ được dùng với những mục đích và nội hàm khác nhau. Trong ngành ngôn ngữ học, diễn ngôn được hiểu là những văn bản, thường là bằng lời (verbal texts, verbal utterances) với quy mô lớn hơn một câu, đặt trong bối cảnh xã hội của  nó. Nội hàm của khái niệm này đã thay đổi trong chủ nghĩa hậu cấu trúc, đặc biệt dưới ảnh hưởng của Michel Foucault. Ở đây, diễn ngôn được hiểu là một quá trình hiểu và tạo nghĩa mang tính xã hội (thay vì mang tính ngôn ngữ thuần túy). Vì vậy, mặc dù khả năng tạo nghĩa của ngôn ngữ là vô hạn, nhưng trong mỗi giai đoạn lịch sử, việc nghĩa nào được chấp nhận và nghĩa nào trở nên phổ biến lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội, chính trị chứ không phải một quá trình mang tính ngôn ngữ học thuần túy. Quá trình thương thỏa để tạo nghĩa này (cùng với kết quả của nó) chính là các diễn ngôn đặc trưng của từng thời đại (dẫn theo Language and Linguistic – Key Concept, R. L. Trask, và Communication, Cultural and Media Studies – The Key Concepts – John Hartley, NXB Routledge). Trong bài viết này, việc nhìn nhận người nổi tiếng như một diễn ngôn, đồng nghĩa với việc nhìn nhận họ như một văn bản, và đọc “nghĩa” của văn bản đó trên điều kiện lịch sử, xã hội của Việt Nam hiện nay, thay vì hiểu chữ “người nổi tiếng” như là ý nghĩa ghi trong từ điển.

[8] Daniel Broostin, The Image: A Guide to Pseudo-Events in America.New York: Athenneum, 1982, trang 61.

[9] Greta Garbo – nữ minh tinh màn bạc người Thụy Điển (1905-1990) trong giai đoạn phim câm Holliwood đầu thế kỷ 20, trong đó có bộ phim nổi tiếng Nữ hoàng Christine.

[10] Roland Barthes, Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu dịch), NXB Tri Thức, 2008, trang 314.

[11] Nói như Jean Baurdrillard trong Simulacra and Simulation (The University of Michigan Press, 2010, trang 81) thì công chúng ngày nay lúc nào cũng “vừa tin, vừa không tin” (One both believes and doesn’t).

[12] Năm 2008, khi mới bắt đầu nổi tiếng, Lady Gaga đã hát cho một cuộc thi hoa hậu tại Nha Trang, ViệtNam. Tất nhiên, công chúng ViệtNam lúc đó hầu như không biết đấy là ai và báo chí hầu như không đưa tin (hãy tưởng tượng nếu là bây giờ, thì truyền thông sẽ làm rùm beng như thế nào). Vào thời điểm đó, có thể nói, với công chúng tại ViệtNam, Lady Gaga chưa tồn tại.

[13] Trong cuốn  The Frenzy of Renown: Fame and its History (1986), Leo Braudy cho rằng lịch sử của sự nổi tiếng ở Phương Tây bắt đầu từ thời La Mã, và khát khao nổi tiếng vẫn luôn là một yếu tố cấu thành tâm thức xã hội phương Tây từ  nhiều thế kỷ nay (dẫn theo Graeme Turner, Understanding Celebrity, SAGE Publication, 2004, trang 10)

[14] Hãy xét thêm trường hợp của Hoàng Thùy Linh, một ngôi sao mà danh tiếng có sự đan nối khá đặc biệt giữa internet và truyền hình. Sự nổi tiếng của ngôi sao này trước tiên là do truyền hình tạo ra (diễn viên phim Nhật ký vàng anh), sau đó, được cộng dồn bởi internet. Trong trường hợp của Hoàng Thùy Linh, nhiều người sẽ nói cần có sự phân biệt giữa nổi tiếng và tai tiếng, nhưng đúng ra phải là sự phân biệt giữa nổi tiếng và quá-nổi-tiếng. Hiện nay, ca sĩ này chưa từng một lần quay lại màn ảnh truyền hình chính thống, mặc dù, sự nổi tiếng của cô đã dần dần được trung tính hóa trên mạng internet nhờ hàng loạt hình ảnh khiêu dâm dạng nhẹ và thông tin về những chương trình biểu diễn tự do của cô. Việc Hoàng Thùy Linh quay trở lại với “màn ảnh nhỏ” sẽ đồng nghĩa với việc danh tiếng của cô một lần nữa được chính thức hóa. Theo tôi, điều này chỉ là vấn đề thời gian.

[15] Theo tác giả Trần Hữu Quang trình bày trong luận án tiến sĩ Xã hội học Truyền thông đại chúng và công chúng – Trường hợp TP. HCM, 2000, hơn 70% mẫu điều tra của nghiên cứu xem truyền hình hàng ngày.

[16] Jean Baudrillard quả thật so sánh vòng xoáy trôn ốc của sự mất nghĩa với tế bào ung thư và sự di căn.

[17] Jean Baudrillard, Simulacra and Simulation, The University of Michigan Press, 2010, trang 80

[18] Center for Media Literacy, Five key questions that can change the world – Classroom activities for media literacy, Mỹ, 2005.

[19] Louis Wirth, Urbanism as a way of life, bài đăng trong tạp chí America Journal of Socioloy,University ofChicago, 1938

[20] Identity là một thuật ngữ quan trọng trong nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Cách chuyển dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt khá đa dạng. Có thể liệt kê ra đây các từ khác nhau đã được dùng để dịch chữ này như: bản sắc, căn tính, căn cước, nhân dạng. Từ “bản sắc” có lẽ được sử dụng quen thuộc và rộng rãi nhất (ví dụ, tác giả Trần Ngọc Thêm dịch tên cuốn sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt NamDiscovering the identity of Vietnamese culture, hoặc Nghị quyết Trung ương Đảng sử dụng cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc”). Tuy nhiên, trong bài viết này, identity dịch là căn tính lại phù hợp hơn vì nó được sử dụng như một quá trình lựa chọn ở cấp độ cá nhân. Căn tính văn hóa được hình thành qua việc thừa nhận bản thân mình trong mối quan hệ với người khác, thông qua quá trình mở rộng, vay mượn, hoặc cộng gộp (một hoặc nhiều) đặc điểm của mình với người khác. Bản thân chữ căn tính cũng được không ít người sử dụng ở các cấp độ rộng hơn, ví dụ như thay thế cụm từ “bản sắc dân tộc” bằng “căn tính dân tộc”. Ví dụ, trong cuốn Cá tính tập thể của các dân tộc (NXB Phương Đông, 2007), dịch giả Lê Diên đã thống nhất sử dụng chữ căn tính  cho từ  identity. Cuốn sách chỉ rõ nội hàm của identity, cũng như phân biệt kỹ càng giữa “căn tính” (identity) và “cá tính” (personality) của các dân tộc.

[21] Ở các đô thị ViệtNam thời kỳ tiền đại chúng, có hai xu hướng giải khuây khá thịnh hành: 1) thuê truyện “chưởng” về đọc. 2) thuê phim bộ về xem. Cả hai xu hướng này đều gắn với văn hóa Trung Quốc.

[22] Dẫn theo Graeme Turner, Understanding Celebrity, SAGE Publication, 2004, trang 25.

[23] Không chỉ có David P. Marshall, quan điểm này được hàng loạt học giả phương Tây chỉ ra trong những tiểu luận về người nổi tiếng. Dẫn theo Graeme Turner, Understanding Celebrity, SAGE Publicatio, 2004, trang 24.

[24] Trong bài viết “Cái tôi” trong thông điệp quảng cáo (sách Báo chí – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 7, NXB ĐHQG), tôi đã phân tích việc giá trị cá nhân của giới trẻ (cái tôi) được truyền thông kiến tạo và nhào nặn với mục đích bán hàng như thế nào. Thực ra, mặc dù quảng cáo đẩy mạnh thông điệp về “sự khác biệt” của các cá nhân, nhưng rốt cuộc, “ai cũng tưởng mình độc đáo, trong khi tất cả giống hệt nhau”. Đây là đặc trưng mang tính ý thức hệ khá điển hình của chủ nghĩa tiêu dùng và một nền sản xuất hàng loạt.

[25] Ngành nghiên cứu văn hóa (Cultural Studies) đã được xác lập khá lâu trên thế giới, đặc biệt là với sự đóng góp của trường phái Birmingham (Anh) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Cách dịch ra tiếng Việt của thuật ngữ “Cultural Studies” khiến ngành nghiên cứu này thường xuyên bị quy đồng với “văn hóa học” – một ngành đã định hình từ lâu ở Việt Nam. Tuy nhiên, hai lĩnh vực có nhiều khác biệt. Ngành Nghiên cứu văn hóa chưa được xác lập ở Việt Nam, mặc dù những tác giả nền tảng của nó đều được biết do sự liên ngành với các lĩnh vực triết học, ngôn ngữ học, nhân học, lịch sử v.v.. Hiện trên thế giới còn nhiều tranh luận về ngành này  (thậm chí, Graeme Turner, một trong những học giả nổi bật của Australia về lĩnh vực này từng có một bài viết nêu vấn đề: “Vì sao ngành Nghiên cứu văn hóa lại cần có một lịch sử?), nhưng chúng ta có thể tìm được một cách hiểu tương đối về lĩnh vực nghiên cứu này trong cuốn từ điển thuật ngữ  “Communication, Cultural and Media Studies – The Key Concepts” của John Hartley. Theo đó, đối tượng của ngành Nghiên cứu văn hóa là:

–          Mối quan hệ giữa ý thức và quyền lực, có nghĩa là, văn hóa  là chính trị.

–          Sự hình thành của căn tính (identity) trong đời sống xã hội, có nghĩa là, văn hóa đồng nghĩa với cuộc sống hàng ngày (chứ không phải các giá trị đặc biệt).

–          Văn hóa tạo lập qua truyền thông, có nghĩa là, văn hóa là các văn bản.

–          Sự mở rộng của cái khác biệt, có nghĩa là, văn hóa là sự đa dạng.

[26] Sự tự chủ chỉ là một cách diễn nghĩa của thuật ngữ “agency”. Tới thời điểm này, tôi chưa tìm được một cách chuyển dịch thực sự thuyết phục đối với thuật ngữ này.

[27] Chris Barker, The SAGE Dictionary of Cultural Studies, SAGE, 2004, trang 4.

[28] Nguyễn Thu Giang, Tri tạo truyền thông – Một cách tiếp cận trong giáo dục, Tạp chí Nghiên cứu con người số 1, 2011.

[29] UNESCO, Extracts from the Grĩnwald Declaration on media education, 1982, Website: www.unesco.org,

 

Posted in Nghiên cứu truyền thông | 9 Comments

Anh Sơn chị Thủy hay câu chuyện yêu nghề

2010.

Người tôi quý trọng nhất ở trường ĐHKHXH&NV là vợ chồng chủ cửa hàng photocopy ở cổng sau, mặc dù họ là những người hiếm hoi liên quan tới cái trường này mà tôi không phải gọi là “thầy”.

Người chồng tên là Sơn, sinh ra bị sứt một bên môi nên tiếng nói hơi méo mó, gương mặt không đẹp. Chị vợ tên là Thủy, người đậm đà, rất duyên, nhất là đôi mắt. Tôi không biết vì cớ gì mà một người xinh gái như thế lại cưới một người chồng có vẻ ngoài không lành lặn. Chỉ thấy họ rất hợp nhau. Cả hai có hai cô con gái, một cửa hàng photocopy, và một căn nhà bốn tầng 60 mét vuông vừa tân gia năm ngoái.

Nói sơ qua thế về gia cảnh của họ để mọi người hiểu rằng tôi có biết, vì tôi hay nói chuyện trong lúc chờ sách, cố gắng tìm hiểu xem cuộc sống của họ có phù hợp với trí tưởng tượng của tôi không – bởi trước một cặp vợ chồng như họ, tôi không thể không vì lòng ngưỡng mộ mà nảy sinh tò mò. Cứ mỗi lần thấy họ ngồi ăn trưa muộn cùng nhau, có khi đã hơn 2h chiều, bên cái bàn xén giấy, với một bát canh bắp cải cà chua, một nồi thịt kho dừa đặt chênh vênh trên một cái ghế nhựa là tôi lại thấy thương mến vô cùng, và không thể không pha một thoáng ghen tị, mặc dù họ thì không bao giờ biết tới những tình cảm ấy.

Trong đời đi học ở cái xứ này, chắc ai cũng là ít nhất một lần cầm trong tay một vài cuốn sách bị photo vô lối: sách to cồ cộ, chữ nhòe, lề xộc xệch, giấy đen, và bực mình nhất là lộn trang, thiếu trang, lặp trang. Cái cung cách ấy thường gặp tới nỗi tôi vẫn xếp những người làm công việc photocopy vào một mớ những kẻ buộc-phải-được-tha-thứ. Nhưng anh Sơn, chị Thủy là một ví dụ cho thấy ngay cả trong một cái nghề tưởng như cực kỳ tầm thường này, thì người ta vẫn có thể đạt tới lòng tự trọng nghề nghiệp và tính tinh xảo đáng nể phục.

Mấy nguyên tắc của anh Sơn (mà chị Thủy luôn tuân thủ một cách cực kỳ nghiêm cẩn) là:

– Giữ sách gốc, đặc biệt là những cuốn sách “trông biết là quý” – nghĩa là những cuốn được chủ nhân nâng niu hay những cuốn “bìa toàn tiếng Tây mà giấy lại đẹp”.

– Thành phẩm tuyệt vời. Sách photo xong giữ nguyên kích thước cũ (chứ không to tướng theo khổ A4), giấy trắng và đanh, bìa giả da, mạ chữ vàng, gáy sách mềm, mở đôi dễ dàng, chữ rõ như mực laser. Không nhiều khách hàng bọc bìa giả da ở cửa hàng này, nên mỗi lần photo, tôi phải gom đủ một mớ để bõ công người ta làm bìa và mạ chữ bằng tay. Nói theo cách của anh Sơn thì “anh mà nhận sách của Giang là phải tự làm tất nên hơi lâu một chút, em đợi nhé”. Kẹt cái là đôi khi chữ tiếng Anh trên bìa bị sai chính tả, vì người thợ không rành ngôn ngữ. Nhưng điều đó chỉ làm tôi thích hơn.

– Luôn giữ chữ tín, bao gồm các việc: đúng hẹn (với tôi thì chưa sai bao giờ, chỉ có tôi sai hẹn không ra lấy sách); đúng giá (giá phải chăng, không thêm, không bớt, không mặc cả); đúng thỏa thuận (tức là, bao giờ cũng thỏa thuận trước về mức độ đắt rẻ, loại giấy, cũng như độ hư hỏng gây ra cho sách gốc – để khách hàng có thể từ chối việc photo trước khi quá muộn).

– Không thỏa hiệp. Tôi nhớ có lần cười thầm khi chị Thủy xắn tay áo lên nói với một thầy giáo bên Đại học Khoa học Tự nhiên: “Tôi không chịu bớt một cắc nào hết. Thầy cứ thử bước ra khỏi cái cửa hàng này mà không trả đủ tiền xem. Thầy yêu cầu làm giấy đẹp, bây giờ thầy đòi trả tiền giấy xấu là không tử tế. Thầy có mời hiệu trưởng xuống tôi cũng không sợ đâu nhé. May mà anh Sơn không có ở đây đấy!”. Khi ông thầy đã khuất mắt, chị quay sang tôi nói: “Anh Sơn mà ở đây thì ông này ăn đòn. Thầy giáo gì mà lần nào cũng kèo nhèo. Từ sau chị không bao giờ photo cho nữa!” Nhiều khi tôi ra lấy sách, thấy anh Sơn trả lời “còn sót một quyển anh chưa làm, vì lề sách bé quá, nếu anh xén theo như thỏa thuận với em thì khi mở sách đọc không sướng. Bây giờ em đồng ý làm thì anh mới dám làm”. Thường thì tôi là người phải xuề xòa trước, để anh Sơn nể tình mà photo cho tôi một cuốn sách không được chuẩn như anh ấy muốn (mặc dù đã đẹp mĩ mãn rồi). Sách gốc có một chút mực bẩn anh cũng lấy giấy che đi, nên sách thành phẩm thường là trắng sạch hơn sách gốc.

– Sống tử tế từ nghề của mình. Trong cái đời giáo viên quèn mới có vài năm của mình, tôi đã chi không dưới 15 triệu tiền sách photo ở đây và chỉ ở đây mà thôi. Năm ngoái thấy anh Sơn ít đi làm, tôi mới biết anh ấy lo xây nhà. Một cặp vợ chồng lập nghiệp với hai bàn tay trắng, khi mở cửa hàng photo không có một mét đất cắm dùi, thế mà giờ có một cơ nghiệp đàng hoàng như vậy thật là hiếm.

Nếu thử so những đặc điểm nghề nghiệp của anh Sơn, chị Thủy với các cán bộ giảng dạy ở trường tôi thì ai đáng quý trọng hơn? Ai giữ sách gốc hơn (hoặc, ai quý trọng sách-không-phải-của-mình hơn)? Ai có thành phẩm hoàn hảo hơn (hoặc thử nhìn xem đầu ra của chúng tôi như thế nào)? Ai giữ chữ tín hơn (hoặc ai trung thực hơn)? Ai không chịu thỏa hiệp hơn (hoặc ai hèn nhát hơn)? Và ai làm giàu đàng hoàng được từ nghề của mình hơn (hoặc ai luồn cúi hơn)? Tôi tin rằng trong sự so sánh này, cái câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” rõ ràng không dành cho bên tôi.

Chỉ nhân lần này, khi Hội đồng Anh có biếu Khoa tôi một kệ sách, để tôi có cơ khội đem ra photo mang về nhà đọc thì tôi mới lại gặp anh chị Sơn Thủy kể từ cái đận mẹ tôi ốm nặng tới giờ. Niềm quý trọng và tình thương mến lại đến trong tôi, và lần này thì tôi đủ thời gian để viết ra thành lời.

Note: Những người tag trong bài này là những khách hàng của anh chị Sơn Thủy, mà tôi biết chủ yếu qua những cuốn sách mà họ để lại cửa hàng chờ làm quyển 🙂

Posted in Về nghề giảng dạy | 4 Comments

Trích dịch “On Photography” – Susan Sontag

On Photograph của Susan Sontag là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về nhiếp ảnh. 

Trích dịch On Photography  của Susan Sontag, xuất bản năm 1977.

———————————————————————–

[…] Gần đây, chụp ảnh đã trở thành một cách giải trí phổ biến chẳng kém gì tình dục và khiêu vũ. Điều này có nghĩa là, giống như mọi dạng nghệ thuật có tính phổ cập khác, người ta không còn coi chụp ảnh như một bộ môn nghệ thuật, mà chủ yếu là một nghi thức xã hội, một cách chống căng thẳng và một công cụ của quyền lực.

Mục đích sử dụng đại chúng đầu tiên của nhiếp ảnh là để lưu nhớ lại thành tích của những ai được coi là thành viên trong cùng một gia đình (hoặc trong các loại hội nhóm khác). Ít nhất là trong vòng một thế kỷ trở lại đây, việc chụp ảnh đám cưới đã trở thành một phần của nghi lễ thành hôn, đi kèm với những nghi thức về ngôn ngữ. Những chiếc máy ảnh luôn đi cùng với đời sống gia đình. Theo một nghiên cứu xã hội học tại Pháp, hầu hết các hộ gia đình có một chiếc máy ảnh, và ở những hộ gia đình có trẻ con thì xu hướng sở hữu một chiếc máy ảnh cao gấp đôi  những hộ gia đình không có trẻ. Việc không chụp ảnh con cái, nhất là khi chúng còn bé, là dấu hiệu của sự vô cảm từ phía phụ huynh, chẳng khác gì việc không xuất hiện trong bức ảnh lễ tốt nghiệp thì là một cử chỉ nổi loạn của tuổi mới lớn.

Thông qua những bức ảnh, mỗi gia đình kiến tạo nên một biên niên sử bằng chân dung, một bộ hình ảnh gọn gàng giúp minh chứng cho sự liên kết của gia đình đó. Sự kiện nào được chụp lại không quan trọng bằng việc các bức ảnh rốt cuộc được chụp lại, và được nâng niu. Nhiếp ảnh trở thành một ghi thức của cuộc sống gia đình chính vào giai đoạn công nghiệp hóa ở các nước Âu Mĩ, vào lúc bản thân thiết chế gia đình bắt đầu trải qua những cuộc đại phẫu. Vào lúc gia đình hạt nhân tách ra khỏi mô hình đại gia đình thì nhiếp ảnh trở thành phương tiện để lưu nhớ, và một cách biểu tượng, tổ chức lại tính liên tục cũng như tính đại đồng đường đang dần biến mất trong đời sống gia đình. Các bức ảnh – những dấu vết tinh thần – mang lại sự hiện hữu có tính hình thức cho những người thân đã lưu tán. Một cuốn album gia đình thường lưu giữ hình ảnh của một gia đình mở rộng, và đó cũng thường là tất cả những gì còn sót lại của cái gia đình ấy.

Vì lẽ các bức ảnh cung cấp một sự sở hữu có tính tưởng tượng đối với một quá khứ phi thực nào đó, nên các bức ảnh cũng đem lại cảm giác sở hữu về mặt không gian tại những nơi con người cảm thấy mất tự tin. Thế cho nên nhiếp ảnh phát triển song hành với một trong những hoạt động đặc mang tính hiện đại trưng nhất: du lịch. Lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra hiện tượng một lượng lớn người rời xa môi trường sống quen thuộc của họ trong một thời gian ngắn. Việc đi lại nhằm mục đích vui chơi này sẽ trở nên hết sức bất bình thường nếu không có chiếc máy ảnh theo cùng. Những bức ảnh cung cấp bằng chứng không thể chối cãi rằng người ta đã đi, đã hoàn thành chương trình, đã hưởng đủ vui thú. Các bức ảnh ghi lại những chuỗi tiêu thụ bên ngoài tầm mắt của gia đình, bạn bè và hàng xóm. Sự lệ thuộc vào chiếc máy ảnh, một phương tiện khiến trải nghiệm trở nên “thực” hơn, không hề phai nhạt khi con người đi lại nhiều hơn. Việc chụp ảnh đáp ứng nhu cầu của những cư dân thời thượng muốn tích trữ những bức ảnh như những chiến lợi phẩm của chuyến du ngoạn bằng thuyền lên thượng nguồn sông Nile, hay 14 ngày trải nghiệm tại Trung Quốc, cũng như những du khách tầng lớp thấp hơn thì hay thích chụp ảnh tháp Eiffel hoặc thác Niagara.

Việc chụp ảnh vừa là một cách chứng thực những trải nghiệm, vừa là một cách khước từ trải nghiêm, bởi người ta bắt đầu giới hạn trải nghiệm trong phạm vi những gì “ăn ảnh”, và biến trải nghiệm thành một hình ảnh, một món quà lưu niệm. Việc du ngoạn trở thành một chiến lược thu thập hình ảnh. Hành động chụp ảnh có tính xoa dịu, làm nguôi đi cảm giác về sự mất phương hướng vốn tăng cao trong các chuyến đi. Hầu hết khách du lịch khó cưỡng lại việc đưa máy ảnh ra để che chắn giữa họ với bất cứ sự vật gì có vẻ đáng chú ý họ đụng phải trên đường. Khi không biết phải phải ứng thế nào, họ chụp ảnh. Hành động này định dạng lại trải nghiệm theo mô hình: dừng chân – chụp ảnh – đi tiếp. Phương thức này đặc biệt cuốn hút với những người bị khổ sở vì kỷ luật lao động: người Đức, người Nhật, người Mỹ. Việc chụp ảnh xua tan sự căng thẳng mà những kẻ-nghiện-việc thường gặp phải khi đi du lịch, tức là lúc không có công việc, và chỉ được vui chơi. Họ muốn có một hoạt động nào đó mô phỏng lại công việc nhưng theo cách nhẹ nhàng hơn: họ chụp ảnh.

Những người bị tước bỏ quá khứ là những người chụp ảnh nhiệt tình nhất, dù tại gia đình hay ở ngoại quốc. Những ai sống trong một xã hội công nghiệp hóa sớm muộn cũng bị đẩy vào cảnh từ bỏ quá khứ, nhưng ở một số quốc gia như Mỹ và Nhật thì sự đứt gãy này có tính thương tổn đặc biệt cao. Vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, câu chuyện về những du khách Mỹ của những năm 50 và 60 với một mớ đô-la và thói thực dụng rởm đời được thay thế bằng sự bí hiểm của những khách du lịch Nhật Bản thích đi theo nhóm – những người vừa thoát khỏi cái đảo-ngục, nơi họ vụt trở nên giàu có nhờ đồng Yên được định giá cao quá mức. Và thường thì người nào cũng trang bị hai cái máy ảnh, mỗi cái treo một bên hông.

[…]

Một bức ảnh không chỉ thì là sự đụng độ giữa một sự kiện với một kẻ chụp ảnh mà hành vi chụp ảnh tự thân nó đã là một sự kiện, khi mà một người với quyền độc đoán chưa từng có, được phép can thiệp, xâm lược hoặc ngó lơ bất cứ một sự kiện nào đang diễn ra. Ý thức về hoàn cảnh của chúng ta giờ được thông dẫn nhờ sự can thiệp của chiếc máy ảnh. Sự phổ cập của máy ảnh khiến chúng ta bị thuyết phục rằng thời gian chính là sự cộng hợp của nhiều sự kiện thú vị – những sự kiện đáng được chụp lại. Điều này, tới lượt nó lại khiến chúng ta thấy rằng bất cứ sự kiện nào, một khi đã khởi hoạt và bất chấp tính đạo đức của nó, tốt nhất là nên được tạo điều kiện để diễn ra trọn vẹn, vì trên cơ sở đó, một thứ khác cũng đủ điều kiện để bước vào thế giới này – một bức ảnh. Khi sự kiện đã kết thúc thì bức ảnh vẫn tồn tại, đem tới cho sự kiện tính bất tử (và tính quan trọng) không thể đạt được bằng bất cứ cách nào khác. Khi mà ngoài kia, những con người bằng xương bằng thịt vẫn đang tự giết mình, hoặc giết lẫn nhau, thì người chụp ảnh được đứng sau ống kính, tạo nên một yếu tố nhỏ bé cho một thế giới khác: thế-giới-hình-ảnh sẽ tồn tại lâu hơn tất cả chúng ta.

Chụp ảnh về cơ bản là một hành động phi-can-thiệp. Một phần nỗi kinh hãi đem lại bởi những bức ảnh đáng nhớ trong làng nhiếp ảnh báo chí đương đại – như bức ảnh nhà sư Việt Nam tự thiêu, hay một du kích Ben-gan-li đâm xuyên lưỡi lê qua người một kẻ phản bội bị trót chặt – xuất phát từ việc người ta nhận thức được tính tin cậy của ảnh, bởi đây là những tình huống khi mà người chụp ảnh đã chọn bức ảnh thay vì chọn một mạng người. Người nào đã can thiệp vào sự kiện thì không thể ghi lại nó, và người ghi lại sự kiện thì không thể can thiệp. Bộ phim tuyệt vời Man with a Movie Camera (1929) của Dziga Vertov đã đưa ra một mẫu hình lý tưởng về người chụp ảnh, một người chuyển động liên tục, một người lia qua đủ loại sự kiện một cách linh hoạt và nhanh nhẹn đến mức mọi sự can thiệp đều là bất khả. Bộ phim Rear Window (1954) của Hitchcock lại đưa ra phần bù cho Dziga Vertov: chính chiếc máy ảnh khiến nhân vật nhiếp ảnh gia do James Steward thủ vai đạt được mối quan hệ sâu sắc hơn đối với một sự kiện, bởi lẽ anh này bị gãy một chân và phải gắn chặt vào cái xe lăn. Việc bất động tạm thời khiến anh ta không thể tham dự vào những việc anh ta chứng kiến, và vì thế, khiến cho việc chụp ảnh càng trở nên quan trọng. Ngay cả khi việc chụp ảnh không song hành với sự can thiệp theo nghĩa cơ học thì bản thân nó vẫn là một hình thức tham dự sự kiện. Mặc dù chiếc máy ảnh chỉ là một trạm quan sát, hành động chụp ảnh không chỉ là việc quan sát thụ động. Cũng giống như hành vi xem trộm kẻ khác làm tình, việc chụp ảnh, có thể kín đáo, và thường là công khai – khuyến khích bất cứ cái gì đang diễn ra cứ việc tiếp tục. Chụp một bức ảnh có nghĩa là duy trì một quan tâm đối với sự vật như là chính nó, nói cách khác là “giữ nguyên hiện trạng” (ít nhất là cho tới lúc chụp xong một bức ảnh “đẹp”); đồng thời, là đồng lõa với bất cứ điều gì giúp cho chủ đề trở nên thú vị hơn, đáng chụp lại hơn, trong đó bao gồm sự đau đớn hay bất hạnh của kẻ khác, nếu đó chính là mối quan tâm của người chụp ảnh.

[…]

Khi chúng ta sợ hãi, chúng ta nổ súng. Còn khi chúng ta hoài cổ, chúng ta chụp hình.

Posted in Nghiên cứu truyền thông | 3 Comments

Mấy điều thậm xấu về phụ nữ

Toàn bộ những điều mà tôi nói dưới đây đều thấy cả ở đàn ông, nhưng tôi chỉ quan tâm tới phụ nữ vì tôi là một trong số họ. Trong sự phê phán này, chủ yếu và cốt yếu là hành động tự phê.

1. Phụ nữ thậm xấu khi cứ hy sinh trong khi vẫn nuôi lòng kiêu ngạo. Hy sinh – hẳn nhiên không phải để đáp trả – nhưng thà là như thế còn hơn là nhân danh tình thương, để tha lôi, kéo níu, rồi biến mình thành một tù ngục bừa bộn, sến sẩm, bế tắc và cuối cùng, chai đá. Chừng nào còn nuôi lòng kiêu ngạo, thì sự hy sinh chỉ khiến người phụ nữ cay đắng và bẽ bàng mãi mãi.

2. Phụ nữ thậm xấu khi họ nuôi một tiền giả định rằng mình là nạn nhân. Trong quá trình nạn nhân hóa ấy, họ ngầm định rằng mình sẽ bị ngược đãi, ngầm mong mình bị chà đạp, và ngầm chịu bị lạm dụng. Làm sao thoát được, họ sẽ nhận được điều họ mong ước, vì từ đó, tạo cớ để dung dưỡng đức hy sinh. Than ôi, không phải ai cũng xứng đáng được yêu sao?

3. Phụ nữ thậm xấu khi vừa làm việc vừa than vãn. Ai cũng biết đã là phụ nữ thì sẽ nói nhiều, nhưng nhìn một người vừa lau nhà vừa trách móc rằng mình đang phải phải làm con ở, hoặc một người vừa bưng vác vừa rên rẩm đau lưng, tim tôi cứ đập thình thịch vì phẫn nộ. Không phải bởi họ sai, mà bởi vì sao lúc đó trong họ xấu thế. Nếu họ lặng im một góc, nhấm nháp cốc chè, thì có phải cuộc đời thật là quang quẻ, dù nhà có thể bẩn hơn và mấy chậu cây kia có thể hơi lệch ra ngoài ý muốn.

4. Phụ nữ thậm xấu khi tự mãn. Chẳng phải là hạnh phúc thì không đáng để mơ ước, nhưng giả như hạnh phúc của họ là có thật (vâng, đối diện với điều đó đi) thì có cách nào mà khoe nổi đây? Một lần nữa tôi lại cứ quay về để yêu thương những gì intimate, những thứ mà cứ mỗi lần định tự mãn để khoe ra, thì ngay lập tức trở nên thô sượng, và vì thế, thật là xấu xí.

5. Phụ nữ thậm xấu khi không sống nổi một mình. Họ phải có một ai đó để hy sinh cho, một ai đó để chịu ngược đãi, một ai đó để lắng nghe than vãn, và một ai đó để đồng lõa trong sự tự cao.

Ôi, thân lừa – ưa nặng.

Posted in Viết lách lung tung | Leave a comment

Không có kẻ vô can – No one is innocent

Both journalisits and readers should know that there are no such things as “innocent” media texts and “pure” media entertainments. All are artifacts with hidden meanings, values, biases, and ultimately convey complex power relations. 

The discussion about Vietnamese media sensationalism is an absolute boredom to me because people just innocently ignore all the perspectives. There is no “the” but only “a” perspective (Nietzsche’s quote). Nothing is more tedious than a lecture with a single view.  

By linear thinking without any self-reflexion, they implicitly prove that both sensationalism and anti-sensationalism are the same. 

Cả nhà báo và độc giả đều cần hiểu rằng không có thứ gì gọi là văn bản truyền thông “vô can”, hay những màn giải trí “đơn thuần”. Tất cả đều mang tính tạo chế, ngầm tải nghĩa, giá trị, thiên kiến, và hơn hết, phản án các mối quan hệ quyền lực phức tạp. 

Cuộc bàn thảo về xu hướng lá cải hóa của báo chí Việt Nam hoàn toàn tẻ ngắt bởi những người tham gia vô tư ngó lơ sự đang dạng trong các góc tiếp cận. Không bao giờ có “một góc tiếp cận”, mà bao giờ cũng là “một trong số” (lời của Nietzsche). Chẳng có gì đáng chán bằng một phần rao giảng với một góc nhìn độc nhất.

Thông qua sự đơn tuyến trong suy nghĩ cũng như sự thiếu vắng hoàn toàn tính phản tư, người ta vô hình chung chứng minh rằng cả lá-cải lẫn chống-lá-cải đều như nhau cả.

Posted in Nghiên cứu truyền thông | Leave a comment

Kinh nghiệm học ngoại ngữ. Tham luận Cán bộ trẻ 2006

Bài viết này là một tham luận của tôi trong Hội nghị Cán bộ trẻ cấp trường năm 2006. Khi đó, tôi mới ở lại Khoa Báo chí (chưa đổi tên) được gần 1 năm. Thời đó, tình hình có nhiều khác biệt so với bây giờ. Tuy nhiên, tôi nhận ra một điều là mình “đầu gấu” từ bé ^^

Kính thưa các thầy cô đi trước và các anh chị em cán bộ trẻ, Trước hết, tôi xin được tự giới thiệu lại. Tôi là Nguyễn Thu Giang, giảng viên trẻ nhất tại Khoa Báo chí tính tới thời điểm này. Tôi hiện được giao giảng dạy môn Thiết kế và trình bày báo in.

Tôi phải nói ngay rằng “đầu bài” mà nhà trường giao cho tôi hôm nay (“Kinh nghiệm học tiếng nước ngoài đối với cán bộ trẻ”) là hoàn toàn không phù hợp với tôi. Thứ nhất, trình độ tiếng Anh (cũng là ngoại ngữ duy nhất của tôi) còn hạn chế và có rất nhiều anh chị em thông thạo ngoại ngữ hơn tôi. Thứ hai, bản thân việc cung cấp một phương pháp mà tách rời thực hành thì hoàn toàn là hình thức chủ nghĩa, nói thẳng là làm cho có, nhất là trong một hội trường đông người thế này. Vì thế, những ý kiến của tôi dưới đây chỉ là một vài chia sẻ rất chung chung và chủ quan về vấn đề học ngoại ngữ của cán bộ giảng dạy trẻ.

Tôi thấy rằng chuyện học ngoại ngữ không phải của riêng cán bộ trẻ trường ta. Trẻ con mẫu giáo, trẻ con cấp I, cấp II, cấp III đều được học ngoại ngữ và đều học không giỏi. Những bạn đỗ vào đại học cũng không khả quan hơn. Tôi đã tiếp xúc với 2 khóa sinh viên mới nhất của Khoa Báo là K50 và K51, một nửa trong số các câu hỏi của các bạn sinh viên năm nhất là Làm sao để học ngoại ngữ cho giỏi? Sau bốn năm, bất chấp sự băn khoăn từ thủa sơ khởi, các bạn vẫn kém ngoại ngữ. Các tòa soạn báo vẫn hỏi khó tôi vì sao sinh viên tốt nghiệp khoa Báo chí lại kém ngoại ngữ đến thế. Trong trường ta, không ít giảng viên lớn tuổi kêu ca rằng họ “chịu chết” cái khoảng tiếng Anh, còn tiếng Nga thì gần như không còn sử dụng được nữa. Tôi cũng biết ở các trường ĐH khác như ĐH Bách Khoa, Đại học Xây dựng cũng có tình trạng này. Tất cả những ví dụ này cho thấy việc học kém ngoại ngữ có tính chất phổ biến, dù chúng ta có phong trào nhà nhà học tiếng Anh, người người học tiếng Anh.

Có thể rút ra hai vấn đề từ đây. Thứ nhất, một khi đã là lỗi hệ thống thì thành quả phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực vượt khó của từng cá nhân, còn cái tạm gọi là “cơ chế”, có chăng chỉ kéo lùi chúng ta lại mà thôi. Thứ hai, quan trọng hơn, nếu chúng ta tự nhận là những giảng viên trẻ của một trường đại học thì chúng ta không nên và cũng không có quyền than vãn về chuyện học ngoại ngữ, cũng như không nên để người khác phải than vãn hộ chúng ta. Vì ở địa vị như chúng ta mà còn không học được ngoại ngữ thì thật đáng buồn cho nền học thuật của nước nhà.

Bàn về những vấn đề cụ thể hơn, tôi thấy việc học ngoại ngữ ở Việt Nam thường vấp phải những điểm sau:

Thứ nhất là thói đại khái với quan niệm “mình là người nước ngoài đối với thứ tiếng đó, nói phiên phiến thế là được rồi”. Tôi tên là Nguyễn Thu Giang, nếu có ai gọi tôi là Nguyễn Thu Dạng, tôi đã hết sức khó chịu, mặc dù tôi vẫn biết họ gọi tôi nhờ có văn cảnh của câu nói. Thế thì khi chúng ta học ngoại ngữ, cũng phải học cho cẩn trọng và học cho đúng để ăn nói cho đàng hoàng. Vì học đại khái, nên đa số chúng ta sở hữu thứ tiếng Anh đại khái, nói được mọi thứ chung chung, trừ những vấn đề cụ thể và có ích.

Thứ hai là sự lệ thuộc vào thầy giáo khi học ngoại ngữ. Nhiều người học đủ loại thầy cũng không ăn thua. Hiện giờ hệ thống Internet cho phép chúng ta tiếp cận với tiếng bản ngữ không mất tiền và đây là nguồn tài liệu cực kỳ hữu dụng cho mọi trình độ. Vấn đề ở đây không phải là thầy, cũng không phải là tiền. Như trường hợp của tôi thì chủ yếu tự học ngoại ngữ từ Internet.

Thứ ba, rất nhiều người nói rằng “tôi muốn học ngoại ngữ”, nhà trường cũng nói “muốn phổ cập ngoại ngữ cho cán bộ” nhưng rất lâu sau khi nói vẫn không có tiến bộ gì. Tôi tin rằng những người đó chỉ nói theo mốt thôi chứ không thật sự muốn. Câu hỏi đặt ra ở đây là “Anh hoặc chị muốn học đến mức nào”. Nếu muốn sẽ tìm được cách. Còn ngồi nói suông thì không có nghĩa lý gì.

Trên đây là 3 vấn đề ở cấp độ cá nhân. Ở cấp độ nhà trường, tôi cho rằng trường không thể cùng một lúc đòi hỏi anh em trẻ phải giỏi ngoại ngữ, nhanh chóng tiến sĩ hoá để đạt được chỉ tiêu 60% vào năm 2010, đồng thời anh em lại cần kiêm nhiệm thêm công việc sự vụ để học thêm kinh nghiệm quản lý, tiếp theo anh em phải tham gia nghiên cứu khoa học đạt đẳng cấp khu vực quốc tế. Trong khi đó, đồng lương trung bình của mỗi anh chị em ở đây là 1 triệu rưỡi đến 2 triệu đồng. Tôi không nghĩ rằng trong cuộc sống lại có một biện pháp nào tạm gọi là “nhiều, nhanh, tốt, rẻ, bền, đẹp và hài lòng tất cả mọi người”.

Để kết thúc, tôi nghĩ rằng chúng ta gieo hạt cây bao báp thì không thể đòi nở ra bông hoa hồng. Trong trường hợp học ngoại ngữ, điều này có nghĩa là những gì chúng ta đạt được rất xứng đáng với những gì chúng ta bỏ ra.

Posted in Viết lách lung tung | 1 Comment

Bóng đè chưa đủ nặng

Bìa tuyển tập truyện ngắn Bóng đè

Những “từ khóa” về Bóng đè chạy theo ba hướng: 1. Tội tổ tông và sự gánh chịu của người phụ nữ; 2. Freud và vô thức tập thể; 3. Trung Hoa và tâm lý nhược tiểu Việt Nam. Truyện ngắn gây tranh cãi bởi ngoài hướng đi thứ nhất (vốn đã xuất hiện nhiều), hướng tiếp cận thứ 2 và thứ 3 khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng sức nặng của những vĩ từ này đang nghiền vụn Bóng đè.

Tôi cho rằng đó là những cụm từ kể trên khá mốt. Lâu nay nó vẫn “mốt”, bởi vì nó có 2 thuộc tính: ấn tượng và trừu tượng. Mà khi tác phẩm đạt đến trình độ đó (gây khó hiểu nhất định) thì nó mới xứng đáng để đem ra mà bàn cãi. Cái quy trình khép kín ấy dường như không làm sản sinh ra một cái gì thực sự mới.

Adam, Eva và tội tổ tông

1. Đọc Đỗ Hoàng Diệu thấy hình ảnh một người phụ nữ cô đơn. Và bởi vì cô đơn là trạng thái vốn chưa từng xuất hiện trong làng xã Việt Nam cổ truyền, người phụ nữ của Diệu không phải là người đàn bà thuần túy làng xã. Nó đã pha quyện cái cô đơn xa hoa của đô thị và văn minh. Mà hình như, cái văn hóa làng xã kia, với những thế lực bóng tối trùm kín vạn vật, đã bị đẩy thành một nỗi khiếp sợ nghẹt thở. Nó không chỉ “bóng đè” nhân vật tôi trong truyện ngắn mà nó là một ám ảnh có thật của chính tác giả, một người phụ nữ trẻ trong xã hội Việt Nam. Người phụ nữ trong truyện thưởng thức và giải tỏa sự cô đơn qua sex – cái vẫn bị đồng nhất một cách nông cạn với “tội tổ tông” (Original sin – còn dịch là “Nguyên tội), một ý niệm của Thiên Chúa Giáo. Đến giờ phút này, đưa cả sex, lãn tội tổ tông vào văn học không có gì là mới. Đỗ Hoàng Diệu bảo “tôi muốn người đọc nhìn thấy linh hồn của những con vật ấy chứ không phải lông lá của nó”. Có nghĩa là sex chỉ là phương tiện để chuyền tải. Nhưng cái bóng chữ mà Diệu muốn truyền đi có lẽ vẫn chưa thu hút được độc giả. Cái việc “ngủ với bóng đen của những bàn thờ” vẫn là yếu tố ăn khách đầu tiên.

Nói đến người phụ nữ trong Bóng đè, vượt ra ngoài tính dục là mối quan hệ với xã hội và lịch sử mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng phần nào mang màu sắc nữ quyền (feminism). Nhưng dường như cái nữ quyền này lại là lời tuyên bố bi thương nhất cho sự bất công, không có gì hơn ngoài một cảm giác chống đối biết trước thất bại, cảm giác bị cưỡng bức và nằm im. “Nữ quyền” thực sự cần điều gì bình thản hơn thế. Cái ngột ngạt và nhớp nháp mà người đọc cảm nhận đến từ chính nỗi ám ảnh này. Nếu thông điệp của tác phẩm chỉ dừng lại ở đó, thì Bóng đè có thể tạm gọi là đạt được mục đích.

2. “Vô thức tập thể” và một tâm lý nhược tiểu Việt Nam quả thực có đường nối với Bóng đè. Cái đó cũng có thể coi là một điểm đáng chú ý. Nhưng đường nối ấy quá yếu và lộ liễu. Vì thế mà nó không thuyết phục. Nếu chúng ta tìm cách “phiên dịch” tất cả nội dung Bóng đè sang ngôn ngữ “tâm lý nhược tiểu Việt Nam” thì chúng ta sẽ có thể “phiên dịch” được. Đôi khi đó là một cách tốt để giải mã tác phẩm và chúng ta vẫn hay làm như thế. Nhưng chỉ khi nào tác phẩm đủ sức nặng thì sự phiên dịch đó mới không khiên cưỡng và áp đặt.

Nhân vật tôi trong truyện ngắn bất chấp sợ hãi vẫn thèm muốn cảm giác “bị hãm hiếp trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng”. Đó là người phụ nữ luôn nghĩ mình “là nô lệ cả từ nghìn năm nay, từ khi chưa sinh ra đời”. Theo tôi, hình ảnh bàn thờ tổ tiên tại quê Thụ gắn nhiều với bóng tối ngay tại nơi nó hiện hữu, hơn là cái ám chỉ “âm hồn dòng dõi Trung Hoa” mà truyện ngắn có nhắc tới. Ám chỉ đó có tồn tại, nhưng yếu ớt và gượng ép. Nó càng không thuyết phục khi ngay tác giả cũng chưa tường mình về thông điệp mình định chuyển tải. Tác phẩm là thông điệp về “một vực thẳm rẫy nóng của chính mình và phát ra tiếng kêu khát khao hạnh phúc” hay về một mặc cảm hùng vĩ trùm bóng cả dân tộc? Ngay trong tư duy của mình, Hoàng Diệu chưa tường minh được 2 vấn đề này, và điều đó thể hiện ngay trong tác phẩm. Tôi thấy trong nhiều bài phỏng vấn, Diệu vẫn còn đang trăn trở với “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, nổi loạn hay lặng lẽ, tài hay sắc và những cảm giác đàn bà đại loại như vậy.

3. “Đôi bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng manh” là một mã xuất hiện nhiều lần trong truyện. Đỗ Hoàng Diệu bảo “dù hơi tàn lực kiệt, đâu đâu cũng là đêm tối, nhưng còn hơi thở đam mê, còn bàn tay thon kỳ diệu óng ánh dưới nắng, sẽ còn có ngày mai”. Ẩn dụ đôi bàn tay về một tương lai tương sáng cũng yếu ớt và lộ liễu như chính đôi bàn tay ấy. Nó chưa được kết nối với mạch truyện một cách êm mượt. Nếp gẫy khúc rời rạc cũng giống như lời phát biểu của nhân vật tôi: “chỉ có tôi hiểu vì sao bàn tay tôi tách rời khỏi thể xác mình”. Bởi vì nó chưa thuyết phục, nên đôi bàn tay đó chỉ là một ước ao đẹp nhưng không tưởng. Tình dục, bàn thờ, làng quê và đôi bàn tay không tưởng là các mã trong truyện của Hoàng Diệu. ỏMột tác phẩm gây ấn tượng nhưng chưa thực sự mới. Nhà văn Nguyên Ngọc có so sánh Hoàng Diệu với Nguyễn Huy Thiệp về một dòng “văn học tự vấn”. Nguyễn Huy Thiệp quả thật đã có cách viết mới và yêu cầu một cách đọc mới. Đó là điều mà Bóng đè chưa đạt được. Gánh nặng tự tìm đến đôi vai gánh được nó. Đó là quy luật của cuộc đời. Và không gánh được một gánh quá nặng cũng không phải một điều thất vọng ./.

Posted in Viết lách lung tung | 3 Comments

Gà luộc chuẩn

Gà luộc chuẩn da căng mọng, vàng ươm.

Luộc gà cho giống ngoài hàng không khó. Tức là khi luộc xong gà phải vàng ươm, căng bóng, ngọt và róc thịt.

Tất nhiên, điều đầu tiên là phải mua được gà ngon, không quá già, không quá non. Sau đó làm như sau:

– Cho gà đã làm sạch vào khi nước sôi. Cho vào khi nước lạnh khiến da gà bị tái, rất xấu.
– Nước phải ngập hết toàn bộ gà. Nếu luộc gà cúng thì nên lấy nồi rộng để gà không bị biến dạng khi chín. Như thế tất nhiên nước dùng sẽ nhiều và loãng. Phải chịu thôi vì chỉ có thế luộc mới ngon và đẹp. Còn nếu chỉ luộc để ăn thì có thể dùng nồi chật hơn rồi nhồi nhét một tí. Lúc ăn chặt ra rồi, chẳng ai biết con gà bị … méo.

– Nêm muối/bột nêm vừa miệng. Không cho muối, gà sẽ không nổi vị ngọt và da không mọng.

– Quy trình cụ thể: Nước sôi – Cho gà vào – Đun sôi 5 phút (không đun lâu hơn sẽ làm rách da gà, nhất là ở đùi) – Vớt sạch bọt (nếu không sẽ bám vào lưng gà loang lổ) – Tắt bếp – Ngâm gà 10-20 phút (Tùy độ to-nhỏ, non-già của con gà).

– Khi ngâm đủ thời gian, xiên thử bằng cái đũa nhỏ. Nếu nước chảy ra không còn màu hồng là chín. Nếu ngâm quá lâu (tới lúc nước nguội chẳng hạn) thì gà sẽ nát nhừ.
– Vớt gà ra. Để nguội. Càng để nguội thì da gà càng vàng và căng bóng vì mỡ tiết ra.
– Chặt vuông vắn. Bày ăn.

Nếu định ăn bữa tối thì luộc từ chiều cũng được, đẻ gà nguội ăn càng ngon. Tối chỉ việc nấu canh với nước dùng.

Nói chung là dễ. Luộc cách này mà không ngon thì kể ra người luộc cũng … giỏi quá.

Posted in Công thức nấu ăn | Leave a comment

Một vài nhận định về hệ tín chỉ và công tác cố vấn học tập

Một buổi hoạt động CLB sinh viên báo chí, chủ yếu là sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 3. Đây là một nỗ lực để kết nối các thành viên trong không gian tín chỉ.

Hà Nội, 28/11/2010

Trong tham luận lần này, tôi muốn được phát biểu với ba tư cách: thứ nhất, là một người từng giữ vai trò trợ lý trong việc soạn thảo chương trình tín chỉ của Khoa Báo chí và Truyền thông trong những ngày đầu chuyển đổi. Thứ hai là một cố vấn học tập. Thứ ba là một giảng viên.

Đầu tiên, tôi phải khẳng định rằng ngay từ đầu, tôi luôn ủng hộ việc chuyển đổi từ niên chế sang tín chỉ. Theo tôi, sự chuyển đổi này giống như một nỗ lực mà dù có thất bại cũng khó có thể để lại hậu quả tệ hơn. Tôi tin rằng mình là một trong số không nhiều thành viên của trường đã ủng hộ sự chuyển đổi này ngay từ những ngày đầu. Khi đó, tôi thấy rằng đa số mọi người không ủng hộ bởi không ít người cho rằng hệ đào tạo mới sẽ làm tình hình xấu đi. Nói cách khác, hình như lúc đó mọi người cùng chia sẻ một tiền giả định là hệ niên chế lúc đó vẫn đang khá ổn.Tôi lại cho rằng đó là một tiền giả định sai lầm. Hệ niên chế cần được thay đổi và bắt buộc phải thay đổi, bởi nếu cứ duy trì cách học cũ thì rất có thể một ngày nào đó trường ta sẽ không còn sinh viên mà dạy nữa.

Tôi nhắc lại chuyện này là để chia sẻ với mọi người sự trân trọng và ghi nhận của tôi đối với những cán bộ Phòng đào tạo (tôi vẫn nhớ gương mặt nhăn nhó của thầy Phạm Gia Lâm và anh Đinh Việt Hải mỗi khi bàn về vấn đề tín chỉ). Họ là những người đã đối diện với đám đông, dám mắc lỗi, kiên trì học hỏi, kiên trì thay đổi, và  kiên trì giải thích để có được một sự chuyển đổi khá rõ rệt, trước hết và chủ yếu là về mặt hình thức, giữa hai hệ đào tạo. Sự chuyển đổi về mặt bản chất, về mặt nội dung, thẳng thắn mà nói, không nằm trong trách nhiệm, cũng như khả năng của phòng đào tạo. Đó là công việc lâu dài của toàn trường và tôi tin theo thời gian, vì sự sinh tồn, sẽ dần dần diễn ra.

Tôi cũng phải nói rõ rằng sự trì trệ của hệ niên chế không đến từ bản thân đặc trưng của hệ đào tạo này (nhiều nơi vẫn duy trì phần nào cách đào tạo này, ví dụ,Oxford), mà đến từ việc tại nơi tôi làm việc, không ai chịu ra đối diện với sự thay đổi cho tới khi bị bắt buộc. Vì thế, giống như đa số những dấu mốc phát triển ở ViệtNam, sự thay đổi ở đây lại không mang tính tiến hóa (evolution) mà lại là tính cách mạng (revolution). Chính tính cách mạng này làm lộ ra nhiều sự bất cập không thể né tránh của quá trình chuyển đổi, ví dụ như sự thiếu chuẩn bị, sự va đập về quyền lợi và (đôi khi) sự nông nổi. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi về cơ bản là không thất bại và tôi xin tiếp tục được góp sức vào quá trình này.

Xuất phát từ sự ủng hộ nêu trên, tôi xin được nêu vài góp ý nhân cuộc thảo luận lần này. Mặc dù những ý kiến của tôi có thể nông nổi, trực ngôn và đôi khi bi quan, nhưng nó đều xuất phát từ một mong muốn có được sự thay đổi tích cực và sâu sắc dưới mái trường này.

Với tư cách một người trợ lý biên soạn khung chương trình tín chỉ của Khoa, tôi cho rằng, chúng tôi (tôi chỉ dám nói tới trường hợp của khoa tôi) đã bỏ lỡ cơ hội để tự cải tổ chương trình học của mình. Do hạn chế về năng lực và nhân lực, công việc soạn thảo khung chương trình mà tôi từng đảm nhiệm, về cơ bản, chỉ là một sự chuyển ngang không hơn không kém. Cụ thể chúng tôi đã:

– Thay vì sự bổ sung cho nhau một cách vừa vặn giữa lý thuyết và thực hành trong cơ cấu chương trình, chúng tôi mới chỉ đạt được sự cộng hợp rời rạc của các module, nơi mà lý thuyết không đủ mạnh để trở thành nền tảng cho thực hành, và vì thế, ý nghĩa của cả hai đều bớt đi đáng kể.

– Bỏ qua cơ hội chia tách khung chương trình thành các chuyên ngành khác nhau, để tận dung tối đa khả năng xếp lắp của các module, nhằm tiết kiệm sức lực giảng dạy và học tập cho cả giảng viên và sinh viên. Lý do của sai lầm này rất nhiều và có lẽ không nên bàn nhiều ở đây.

Tôi chỉ muốn đưa ra một yêu cầu rằng sau mấy năm thực hành tín chỉ, có lẽ đã tới lúc chúng ta ngấm được cái hay, cái dở của hệ tín chỉ, nhận ra những sai lầm đã mắc phải. Đây là lúc chúng ta cần có một cơ hội để tái chỉnh sửa khung chương trình cho phù hợp. Tôi tin rằng vì lý do sinh tồn, việc này sớm muộn sẽ xảy ra, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Với tư cách một cố vấn học tập, tôi thấy những vấn đề sau đây:

– Thứ nhất, không thể cố vấn cho sinh viên trên cơ sở một chương trình học không hợp lý. Chẳng hạn, nhiều sinh viên hỏi tôi: “Em muốn trở thành phóng viên truyền hình, vậy em nên thiết kế chương trình học cho mình ra sao?”. Tôi tất nhiên chỉ có thể trả lời rằng: “Em cứ việc học toàn bộ những môn báo in, báo ảnh, báo phát thanh, pr, quảng cáo. Bởi Khoa chúng ta không phân chuyên ngành, nên em cứ việc nuôi giữ cái mong muốn riêng của em, còn em vẫn phải học tất cả chứ chẳng có cách nào may đo được chương trình riêng cho em”. Rõ rằng, câu trả lời này chứng tỏ sự việc module hóa các môn học đã không đạt được ý nghĩa. Cũng từ câu trả lời này, tôi cho rằng việc tạo dựng các chuyên ngành hẹp trong Khoa là tất yếu và vô cùng hiệu quả cho chiến lược phát triển của Khoa.

– Thứ hai, công việc cố vấn học tập trước tiên phải là cố vấn về chiến lược học tập (mà như đã trình bày, tôi làm ko được hiệu quả lắm vì chương trình không hợp lý), sau nữa, là cố vấn về thái độ học tập. Chừng nào việc cố vấn chỉ dừng lại ở cố vấn kỹ thuật thì khó có thể đạt được hiệu quả. Sinh viên hiện nay (trên cơ sở sinh viên Khoa Báo mà tôi biết) có một thái độ học tập rất kém, mà theo tôi thì xuất phát tự việc các em không đủ tôn trọng việc học hành, và có thể một phần do sự rời rạc của các module. Về sự tôn trọng với việc học thì tôi không dám bàn ở đây vì quá rộng. Nhưng sự rời rạc của các module thì cần được khỏa lấp bằng một cách nào đó (tôi chưa nghĩ ra, mà chỉ làm một cách rất tự phát là thường xuyên trò chuyện và giục giã các em học tập – điều rất khó làm vì diện bao phủ của tôi quá hẹp).

Với tư cách một giảng viên, tôi cho rằng:

– Trình độ tự học của các em quá kém do hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mà chúng ta cung cấp cho các em (trường hợp khoa Báo) quá giáo điều. Đó nên gọi là lý luận chứ ko phải lý thuyết. Vì thế, hệ kiến thức các em thu nhận là một hệ khép kín, không có khả năng cởi mở và tự thu nhận cái mới. Nó cũng khép lại nhu cầu đặt câu hỏi, nhu cầu phê phán của các em. Điều này, một lần nữa, đến từ chương trình học thiếu hợp lý. Nó sẵn có từ hệ niên chế, nhưng tới hệ tín chỉ thì bộc lộ ra một cách rất rõ nét, khi các em bị bắt buộc phải tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình.

– Hệ thống học liệu của chúng  ta quá kém. Các em không có thư viện đủ rộng, trong thư viện không có sách vở gì đáng kể. Tôi xin lưu ý rằng học liệu giáo viên đưa cho sinh viên hoàn toàn khác với học liệu phổ cập trong thư viện trường. Chỉ có học liệu được phổ cập bằng hệ thống thư viện mới khiến việc đọc trở nên bắt buộc và có tính sinh tồn cho quá trình học tập. Việc giáo viên đồng thời là người duy nhất có thể cung cấp học liệu khiến họ trở nên độc đoán và một chiều, giống như họ là nguồn duy nhất cung cấp tri thức vậy. Điều này rõ ràng làm thu hẹp năng lực tự làm chủ quá trình học tập của học viên cũng như là thui chột năng lực phê phán và truy vấn của sinh viên (do giáo viên là người áp đặt về nguồn sách).

Trên đây là những đóng góp của tôi rút ra từ một vài năm kinh nghiệm thao tác với hệ đào tạo này. Còn vô số những vấn đề khác mà tôi vẫn ấp ủ, nhưng xét tới sự bề bộn ngổn ngang mà trường ta cùng đang đối diện trong cuộc thay đổi này, tôi thấy những điểm cơ bản trên đây là tạm đủ. Xin chân thành cảm ơn.

Posted in Về nghề giảng dạy | Leave a comment